Đàn lợn của ông Richard Lister - chủ một trang trại tại Yorkshire (Anh), lẽ ra đã được chuyển đến lò mổ cách đây vài tuần, nhưng đến nay chúng vẫn đang mắc kẹt tại trang trại trong bối cảnh các lò mổ phải cắt giảm lượng giết mổ. Nguyên nhân là do giá khí đốt bán buôn đã tăng gấp 3 lần trong năm nay, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung CO2, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc giết mổ động vật.
Các đại diện của ngành chế biến thịt cảnh báo, khi nguồn dự trữ CO2 cạn kiệt trong khoảng 2 tuần tới, các công ty sẽ phải ngừng tiếp nhận gia súc và đóng cửa dây chuyền sản xuất. Gánh nặng chi phí duy trì đàn gia súc sẽ đổ lên vai người nông dân, thậm chí là buộc họ phải tiêu hủy gia súc hàng loạt.
"Nếu doanh nghiệp của tôi thua lỗ và buộc phải cho nhân công nghỉ việc, đó sẽ thực sự là một cơn ác mộng, một cuộc khủng hoảng", ông Richard Lister chia sẻ.
"Chúng tôi sẽ chỉ còn vài tuần trước khi buộc phải tiêu hủy những đàn lợn hoàn toàn khỏe mạnh tại trang trại. Đây là một sự lãng phí lớn và bị hủy hoại về mặt tài chính", bà Zoe Davies, Hiệp hội Chăn nuôi lợn quốc gia, Anh, cho hay.
Hiện giới chức Anh đã gia hạn các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng thiếu sản phẩm thịt. (Ảnh minh họa: The Pig Site)
Sức ép cũng gia tăng đối với các bộ phận khác của ngành công nghiệp thực phẩm, ví dụ như sản xuất đồ uống hay đóng gói thịt.
"Chúng tôi sử dụng CO2 giống như một tấm chăn phủ lên bia để giữ cho khí oxy không lọt vào. Điều này rất quan trọng bởi oxy không tốt cho bia và có thể làm bia bị hỏng trong thời gian rất ngắn", Giám đốc nhà máy bia Dancing Duck Harvey Gould cho biết.
"Chúng tôi sử dụng CO2 để đóng gói các loại thịt. Chúng giúp thịt tươi hơn và có thể giữ được trong 5 ngày trên kệ hàng. Nếu nguồn cung CO2 khan hiếm, chúng tôi sẽ phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế và giá cả chắc chắn sẽ tăng lên", Giám đốc bán hàng và tiếp thị công ty Birds Bakery Mike Holling chia sẻ.
Hiện giới chức Anh đã gia hạn các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng thiếu sản phẩm thịt, đồng thời ký thỏa thuận với nhà cung cấp chủ chốt là CF Industries để khởi động lại các nhà máy sản xuất CO2 đã phải đóng cửa vì giá khí đốt tăng.
"Chúng tôi đã can thiệp để cung cấp những hỗ trợ chi phí cơ bản trong vài tuần giúp nhà cung cấp mở lại các cơ sở sản xuất, duy trì nguồn cung CO2, từ đó cho thị trường thời gian điều chỉnh và các nhà cung cấp khác đi vào hoạt động. Khi đó, thị trường sẽ quay trở lại cơ chế bình thường", ông George Eustice, Bộ trưởng Môi trường, Lương thực và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh, nhận định.
Trong thời gian chờ đợi các chính sách này có hiệu lực, London cảnh báo các nhà sản xuất thực phẩm sẽ cần chuẩn bị cho việc giá CO2 có thể tăng gấp 5 lần trong thời gian tới, gây sức ép lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng xứ sở sương mù.
VTV.vn - Tại Anh, các lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ, cuộc sống dần trở lại bình thường, nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên nền kinh tế vẫn dai dẳng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.57141226132901202-2oc-meih-nahk-od-naod-naig-hna-mahp-cuht-peihgn-gnoc-hnagn/et-hnik/nv.vtv