Đặc phái viên Mỹ tại Haiti, ông Daniel Foote - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận việc ông Foote từ chức.
“Tôi sẽ không dính dáng đến quyết định vô nhân đạo và phản tác dụng của Mỹ khi trục xuất hàng nghìn người tị nạn Haiti và những người nhập cư bất hợp pháp", ông Foote viết trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Bức thư này đã được phát tán rộng rãi trong ngày 23-9.
Ông Foote là một nhà ngoại giao lâu năm và mới nhận vai trò đặc phái viên của Mỹ tới Haiti hồi tháng 7 vừa qua.
Ông Foote cho biết tình hình tại Haiti xấu tới mức các quan chức Mỹ tại đây phải ở yên trong các khu vực được đảm bảo an ninh. Cũng theo ông, “quốc gia đang suy sụp” này không thể hỗ trợ những người tị nạn bị trả về.
Nhà ngoại giao trên từ chức giữa lúc Liên Hiệp Quốc và các nghị sĩ Dân chủ Mỹ đang gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Joe Biden vì điều kiện sống của người tị nạn Haiti.
Theo Reuters, khoảng 14.000 người tập trung tại khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico trong những tuần vừa qua.
Con số trên giảm một nửa sau khi Mỹ quyết định trục xuất người tị nạn. Một số khác chủ động rời khỏi khu vực biên giới để tránh bị trục xuất.
Vào cuối tuần qua, hình ảnh lính biên phòng Mỹ ngồi trên lưng ngựa dùng dây cương dài quất vào những người tị nạn đã khơi dậy làn sóng phẫn nộ ngay tại Nhà Trắng và các tổ chức nhân quyền.
Hôm 22-9, Bộ An ninh nội địa Mỹ thông báo đã đưa 1.401 người tị nạn từ khu tập trung ở Del Rio, Texas, về Haiti và bắt giữ 3.206 người khác.
Các vụ trục xuất diễn ra trong bối cảnh Haiti đang chìm sâu trong bất ổn. Tình trạng bạo lực băng đảng và hậu quả của động đất đang hành hạ quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu này.
Ông Filippo Grandi, người đứng đầu cơ quan về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo rằng việc Mỹ trục xuất người tị nạn Haiti có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
TTO - Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Haiti, số người chết trong trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra ngày 14-8 ở Haiti đã lên đến 1.297, trong khi số người bị thương là hơn 5.700 người.