Chiều 23/9, Grab chốt phương án từ ngày 24/9, shipper sẽ đến xét nghiệm tại Sân vận động Quân khu 7 của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (quận Tân Bình), trụ sở chính và cơ sở lưu động tại Nhà Thiếu nhi Thủ Đức của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (cùng tại Thành phố Thủ Đức).
Đến 21h, Grab cho hay đã kết nối thêm được một số cơ sở đối tác mới, nâng lên tổng số điểm xét nghiệm cho tài xế là 16, phân bổ tại 13 quận, TP Thủ Đức.
Về quy trình, shipper phải thực hiện 4 bước gồm: đăng ký với Grab, nhận lại tin nhắn xác nhận thời gian và địa điểm xét nghiệm, đến xét nghiệm theo đúng lịch thông báo và nhận kết quả qua ứng dụng "Y tế HCM".
Chi phí cho xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là 160.000 đồng trong khi hai cơ sở của Bệnh viện Lê Văn Thịnh là 75.000 đồng mỗi lần, do tài xế tự chi trả. Theo Grab, các đối tác dịch vụ này có năng lực xét nghiệm khoảng 30-40 tài xế cho mỗi 30 phút.
Trên các diễn đàn, một số shipper cho rằng với đội ngũ hàng chục nghìn tài xế thì 3 điểm này có khả năng không đủ, những người sống ở xa phải mất nhiều thời gian đi xét nghiệm.
Cũng với giá mà shipper tự trả 75.000 đồng cho một lần, AhaMove cũng thuê các cơ sở y tế để xét nghiệm cho tài xế. Đại diện công ty cho hay, để có mức giá này, công ty sẽ nhận bộ kit được cung cấp miễn phí bởi chính quyền rồi giao cho các đối tác dịch vụ tiến hành, và hỗ trợ thêm 70% chi phí.
Công ty nói sẽ áp dụng các biện pháp công nghệ và kỹ thuật để cố gắng phân luồng shipper hợp lý, giảm thời gian chờ và đảm bảo giãn cách trong xét nghiệm. "Chúng tôi cũng đã được cơ quan chức năng đào tạo về phần mềm nhập liệu test nhanh, hệ thống này sẽ là căn cứ xác minh shipper được phép di chuyển giao hàng, có thể thay thế cho giấy xét nghiệm âm tính", đại diện AhaMove nói.
ShopeeFood cũng chọn thuê ngoài dịch vụ. Từ 24/9 đến 30/9, công ty sẽ cho shipper chọn trong những địa điểm cung cấp dịch vụ xét nghiệm và gửi kết quả về cho công ty cập nhật lên cơ sở dữ liệu của ngành Y tế.
Tuy nhiên, để đề phòng quá tải tại các cơ sở xét nghiệm, nền tảng này vẫn sẽ nhận các bộ xét nghiệm nhanh của Sở Y tế và có phương án thành lập những địa điểm xét nghiệm miễn phí khi cần. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về số lượng địa điểm dịch vụ và chi phí mỗi lần xét nghiệm mà tài xế ShopeeFood sẽ tự chi trả.
Sau khi quyết định thuê ngoài dịch vụ xét nghiệm và để tài xế tự chi trả chi phí, các hãng cho biết sẽ hỗ trợ thu nhập lại cho đội ngũ này.
ShopeeFood cho hay sẽ san sẻ chi phí với shipper bằng chương trình điểm thưởng hàng tuần. Trong khi đó, Grab "treo thưởng" tài xế hoàn thành đủ số khung giờ hoạt động cần thiết trên ứng dụng để được hỗ trợ 300.000 đồng mỗi tuần thực hiện xét nghiệm. Họ còn triển khai chương trình đảm bảo doanh thu lên đến 160.000 đồng, thưởng từ 3.000-5.000 đồng cho mỗi đơn hàng hoàn thành trong khung giờ hoạt động đã đăng ký.
Khác với lựa chọn của số đông, Baemin hôm 23/9 ra danh sách 13 địa điểm xét nghiệm miễn phí cho đội ngũ tài xế của mình, trải dài trên 11 quận và Thành phố Thủ Đức. Tài xế Baemin đến các địa điểm này trong hai khung giờ 5h-10h và 16h-21h để xét nghiệm.
Các shipper của họ sẽ bắt buộc mặc đồng phục đến các địa điểm tự chọn để cung cấp thông tin cá nhân và đăng ký xét nghiệm. Sau khi hoàn thành xét nghiệm kết quả của họ sẽ được cập nhật lên ứng dụng "Y tế HCM" trong 60-90 phút. Sau khi có kết quả, shipper sẽ có mã QR. Mã QR này tương đương với giấy kết quả xét nghiệm và có kết quả trong 72 giờ.
Anh Thiều - shipper khu vực Bình Tân - đánh giá mức phí mà công ty đưa ra hợp lý, chia ra mỗi ngày tài xế chỉ mất vài chục nghìn đồng, không thật sự ảnh hưởng đến thu nhập. Tuy nhiên, anh cho rằng các điểm xét nghiệm còn quá mỏng so với lực lượng shipper, dễ dẫn đến tình trạng quá tải vốn đã diễn ra nhiều ngày qua. Chưa kể, danh sách điểm xét nghiệm của các công ty hiện nay đa phần tập trung nội thành. Nhiều tài xế ở khu vực ngoại thành, muốn đến nơi sẽ phải di chuyển xa, tốn thời gian và công sức.
"Từ chỗ tôi đến điểm test gần nhất tới 12km. Tiền xăng di chuyển và tiền test cộng lại gần 100.000 đồng", anh Thiên - shipper khu vực TP Thủ Đức (quận 9 cũ) cho hay.
Các công ty vẫn cho rằng quy định về xét nghiệm shipper hiện tại gây áp lực lớn cho họ. "Việc tự tổ chức xét nghiệm cho số lượng lớn các tài xế là thử thách khi đối mặt với các khó khăn về kinh nghiệm, chi phí và nhân lực vận hành. Tuy nhiên, đội ngũ của ShopeeFood mong tiếp tục nhận được hướng dẫn cụ thể và sự hỗ trợ từ phía các cơ quan ban ngành", đại diện công ty nói.
Đồng quan điểm, AhaMove cho rằng nếu doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn chi phí sẽ dẫn tới tình trạng không đủ shipper để cung ứng, nhất là giai đoạn thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách, các nhu cầu vận chuyển tăng cao. Theo đại diện công ty , khi nhiều người không được phục vụ vì thiếu shipper chuyên nghiệp, họ sẽ phải phải đặt shipper tự do, và bị "chặt chém" phí giao hàng như thời gian qua.
Tương tự đề xuất của Gojek và Loship đã nêu hôm 23/9, AhaMove muốn kéo dài hạn sử dụng giấy xét nghiệm nhanh, nhất là với shipper đã tiêm hai mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh, có giấy chứng nhận.
Theo công ty, việc này sẽ giúp các cơ sở xét nghiệm hạn chế tập trung đông người, ngành y tế cũng dễ tập trung nguồn lực phục vụ các mục tiêu xã hội khác như bóc tách F0, xét nghiệm các khu vực có nguy cơ. Ngoài ra, kéo dài hạn sử dụng giấy xét nghiệm sẽ giúp giảm chi phí cho nhà nước, doanh nghiệp cũng như gián tiếp giảm chi phí cho người sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, AhaMove mong được hỗ trợ chi phí xét nghiệm hoặc kit test. Hiện công ty được cấp phép khoảng 80% số lượng shipper hoạt động trước giãn cách. Tuy nhiên, số lượng hoạt động thực tế chỉ khoảng 50%, kể cả lúc được miễn phí xét nghiệm.
Theo quyết định từ UBND TP HCM, từ ngày 24/9 đến 30/9, các doanh nghiệp giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh cho đội ngũ tài xế (shipper) theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày một lần và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu chung của thành phố.
Để triển khai, Sở Công Thương và Sở Y tế gợi ý cho doanh nghiệp chủ động chọn hai phương án. Một là Sở Y tế sẽ cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm và doanh nghiệp tự bố trí nhân sự đi tập huấn, tổ chức các điểm xét nghiệm cho tài xế. Hai là doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ trả phí với các cơ sở y tế để shipper tự đến điểm xét nghiệm.
Viễn Thông - Tất Đạt