Những mầm sống chào đời mang đến bao nước mắt nụ cười và niềm hy vọng về những ngày mới đang dần bừng lên - Ảnh trích từ phim Ngày con chào đời
Nhưng mà con chào đời giữa đại dịch, những em bé được cha mẹ đặt tên Cô Vy, Cô Na, cả con và mẹ đều không được hưởng những hạnh phúc được khuyến cáo ở khắp thế giới là tốt nhất cho cả con và mẹ: da kề da từ phút chào đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất...
Ngày con chào đời, mẹ phải cách ly, ba phải cách ly, con phải nằm nôi một mình, hình ảnh đầu tiên ghi nhận được trong đời là những con người kín mít trong bộ đồ bảo hộ.
Sau này, con sẽ không nhớ những chuyện này đâu, nhưng những ngày trên giường hậu sản, chiến đấu với những cơn tuột oxy và ngóng tin con qua màn hình điện thoại sẽ là những ký ức đi với ba mẹ, với ông bà đến hết đời.
Ống kính máy quay bắt cảnh bàn tay mẹ ôm lấy bụng khi khó thở, tìm cách vỗ về con trong bào thai, cảnh em bé được đưa khỏi bụng mẹ, cất tiếng khóc đầu tiên, mở đôi mắt lần thứ nhất...
Sự sống mới kỳ diệu, nhọc nhằn và thương yêu làm sao, cuộc đời con người là tích tụ, là kết tinh của bao nhiêu điều kỳ diệu, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu yêu thương như vậy. Thế nhưng, sự sống lại cũng thật mong manh, sinh - tử, tử - sinh cách nhau chỉ một hơi thở.
Và giữa hơi thở lằn ranh ấy là những bác sĩ, những nhân viên y tế đang ngày ngày, đêm đêm túc trực ở phòng mổ, ở khu hồi sức, ở bệnh viện dã chiến để giành giật lại sự sống của con người.
Mỗi khi lâm vào cảnh yếu đuối, phải vào viện, phải nương nhờ trăm sự vào y bác sĩ, người ta tự thấy không có đủ lời để tỏ lòng biết ơn, và đại dịch này là dịp mà tất cả đều có cùng cảm xúc ấy.
Các bác sĩ không muốn làm anh hùng đang phải trở thành anh hùng. Các bác sĩ đủ mọi chuyên khoa đều đang làm hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ vốn quen báo tin vui "mẹ tròn con vuông" lại phải bấm lòng gọi điện báo tin buồn. Những xôn xao, xao xác từ phòng mổ, từ khu hồi sức lan ra ngoài, vào từng nhà, đến từng người.
Bệnh viện Hùng Vương - tòa nhà Cát Tường - khu K1, không phải là nơi tiêu biểu nhất của điều trị COVID-19 tại TP.HCM, nhưng những hình ảnh từ khu K1 trong hai tập phim tài liệu Ranh giới, Ngày con chào đời này sẽ lại là một trong những thước tư liệu giá trị nhất của đợt dịch này.
Trong ấy có cái chết và sự sống, có tuyệt vọng và hy vọng, có cuộc đời kết thúc và cuộc đời khởi đầu.
Các nhà làm phim cũng rất khéo chọn lúc "thiên thời - địa lợi - nhân hòa". Thời điểm tập Ranh giới lên sóng (phát trên kênh VTV1 tối 8-9), đỉnh dịch vẫn đang dập dờn đe dọa với những con số lặng người mỗi ngày.
Thời điểm này của Ngày con chào đời, đỉnh căng thẳng ấy đã qua, những chỉ số thông báo mỗi ngày đã giảm. Trong các bệnh viện, bệnh nhân đã có thêm nhiều hy vọng, bác sĩ đã có thêm nhiều khoảng dễ thở; ngoài xã hội, hy vọng đang dần bừng lên.
Từng khung hình, từng lời thoại trong phim được cộng hưởng với cảm xúc của cả xã hội, cả khoảnh khắc nghẹn thở lẫn giọt nước mắt hạnh phúc.
Xứng đáng cho những nhà làm phim dấn thân.
Ngày con chào đời của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trên VTV đặc biệt tối 22-9, là phần tiếp nối của Ranh giới, đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trên truyền thông từ cả hai phía ngợi ca và chỉ trích về quyền riêng tư.
Vẫn là phong cách phim tài liệu trực tiếp, chỉ có hình ảnh, âm thanh hiện trường, không có lời bình và kịch bản gần như chỉ là một phác thảo ý tưởng ban đầu,
Ngày con chào đời một lần nữa "mở mắt" cho khán giả được thấy thật gần, thật rõ "bộ mặt" tàn khốc của COVID-19 nhưng vẫn bừng lóe lên ánh sáng của tình yêu thương để nuôi dưỡng những mầm hy vọng.
T.ĐIỂU
TTO - Không ngạt thở và hẳn sẽ không gây tranh cãi như phim tài liệu ‘Ranh giới’, nhưng ‘Ngày con chào đời’ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trên VTV đặc biệt tối 22-9 vẫn tiếp tục lấy nước mắt của khán giả. Lần này là ‘nước mắt của thương yêu và hy vọng’.
Xem thêm: mth.41512609042901202-iod-oahc-noc-yagn-gnort-nel-gnub-gnov-yh/nv.ertiout