Sáng ngày 24.9, nhiều doanh nghiệp vận hành dịch vụ shipper công nghệ đã triển khai tự tổ chức công tác xét nghiệm cho tài xế đối tác của mình thông qua việc hợp tác, thuê các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện.
Lý do các ứng dụng công nghệ dịch vụ shipper chọn hướng thuê các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm cho shipper vì cho rằng, phía doanh nghiệp không có chuyên môn y tế, thiếu nguồn nhân lực cũng như các hiểu biết sâu về quy trình phòng chống dịch.
Ngược lại, các cơ sở y tế có sẵn nguồn lực và chuyên môn để thực hiện. Kit xét nghiệm được phía các doanh nghiệp vận hành ứng dụng tiếp nhận từ Sở Công Thương tương ứng với số lượng shipper đã đăng ký hoạt động trước đó, được TPHCM cung cấp miễn phí, sẽ được tập trung về đầu mối là các cơ sở y tế để triển khai lấy mẫu xét nghiệm đối với tài xế.
Song phía các shipper vẫn phải chịu một khoản chi phí. Mức chi phí được một số doanh nghiệp ứng dụng đặt xe công bố từ ngày 23.9 và áp dụng từ ngày 24.9 là 75.000 đồng mỗi lần xét nghiệm cho shipper. Theo quy định của thành phố, mỗi shipper xét nghiệm theo tần suất 3 ngày 1 lần, và lấy mẫu gộp 3 người.
Tuy nhiên, chỉ tính mức chi phí 75.000 đồng/1 tài xế thôi, theo bác sĩ Phan Xuân Trung – chuyên gia về tin học y tế, quản trị website ykhoa.net – cũng đã là quá cao.
“Mọi chi phí đều được đưa vô giá thành. Nếu chi phí này doanh nghiệp vận tải phải chịu thì sẽ tăng đội chi phí lên. Nếu bắt shipper chịu thì họ phải tìm cách nào đó tính lại. Nếu siết quá họ không đủ ăn thì bỏ chạy”, bác sĩ Phan Xuân trung nói.
Cũng theo bác sĩ Trung, mọi thứ đều vô bài toán thu chi. Tiền công làm xét nghiệm 75.000 đồng/người là đắt.
Thứ nhất là so sánh với dịch vụ tại các cơ sở y tế hiện tại. Hiện 1 xét nghiệm đơn như công thức máu, đường huyết, tổng phân tích nước tiểu…, mỗi xét nghiệm đơn mức giá thấp nhất cũng chỉ vài chục ngàn đồng mà đã bao gồm công lấy mẫu, thuốc thử, chạy máy, đọc kết quả…
“Vậy so với việc chỉ ngoáy mũi và đưa vào kit test. Đó có thể nói là công lao động, nếu tính vậy (75.000 đồng/lần) là quá đắt”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.
Thứ hai theo bác sĩ Trung, nhu cầu xét nghiệm không xuất phát từ người bệnh. Nếu người bệnh đến bệnh viện và yêu cầu được xét nghiệm thì khác. Còn đằng này, trong bối cảnh dịch giã, shipper chỉ đi kiểm tra.
“Trước đây, việc này được Nhà nước thực hiện miễn phí, nay chuyển sang cho người lao động chịu một phần chi phí, thì doanh nghiệp phải tính toán hỗ trợ cho người lao động để sống lâu dài với nhau, chứ siết quá thì tội nghiệp người ta”, bác sĩ Trung cho biết.
“75.000 đồng là 1 bữa cơm 2 người của gia đình người ta. Như vậy là lấy đi bữa cơm của 2 đứa bé rồi, mất đi 1 ngày cơm nước cho con người ta rồi”, bác sĩ Trung nói.
Xem thêm: odl.889659-eb-aud-2-auc-moc-aub-id-yal-al-gnod-00057-reppihs-meihgn-tex-ihp-ihc/et-hnik/nv.gnodoal