Sáng 24-9, TP Đà Nẵng khai mạc Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN), công bố chiến lược phòng chống dịch COVID-19 và kế hoạch khôi phục kinh tế giai đoạn tới.
Thay đổi cấp độ chống dịch
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, tinh thần chỉ đạo chung của TP là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải tiếp tục coi phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Tính đến ngày 21-9, Đà Nẵng đã tiêm 637.015 liều vaccine phòng COVID-19. Ảnh: TẤN VIỆT
“Căn cứ hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (bản dự thảo) thì hiện nay TP đã đảm bảo các chỉ số được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấp độ 1 (bình thường mới)”, ông Minh thông tin.
Theo đó, TP dự kiến áp dụng biện pháp phòng chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấp độ 2 (tương đương với Chỉ thị 19 của Thủ tướng) từ ngày 1-10 đến 15-10 để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể sau tiêm mũi 1. Sau đó TP sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 khi hướng dẫn được ban hành chính thức.
Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn so với dự kiến của ngành y tế, tùy vào đánh giá mức độ nguy cơ, TP sẽ chuyển sang áp dụng trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn.
Cũng theo ông Minh, TP phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho toàn dân. Dự kiến đến cuối tháng 9 đạt 95% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1, cuối tháng 10 đạt 100% người tiêm mũi 1 và 22,1% mũi 2. Đến cuối năm 2021, TP cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người trên 18 tuổi.
Rất thấu hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cũng cho hay, với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, đến nay công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đạt được mục tiêu khống chế được nguồn lây trên phạm vi toàn TP, từng bước mở lại các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo ông Chinh, những kết quả tích cực đạt được trong công tác chống dịch vừa qua có sự đóng góp to lớn của cộng đồng DN.
"Lãnh đạo TP ghi nhận và xin cảm ơn các DN đã thấu hiểu, chia sẻ và đồng cam cộng khổ cùng chính quyền", ông Chinh nói.
Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: BÙI TOÀN.
Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng cho rằng, việc triển khai các mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành nhưng hầu hết DN đều rất chủ động xây dựng phương án thích nghi với bối cảnh dịch bệnh và phù hợp với tình hình thực tế.
Chính sự nỗ lực của các DN đã giúp TP đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắng nhìn nhận rằng các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều DN trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể.
"Thấu hiểu những khó khăn của DN, chính quyền TP đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các DN duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho DN. Điều này khiến cho chúng tôi, những lãnh đạo TP không khỏi trăn trở, suy nghĩ", ông Chinh chia sẻ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị này, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã giới thiệu dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
"Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo TP cam kết sẽ nỗ lực để “không DN nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ DN triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cam kết.
Ông Chinh cho biết thêm, theo dự báo, dịch bệnh sẽ vẫn kéo dài gây tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự thay đổi thường xuyên các định hướng, chính sách của chính quyền nhưng ông tin rằng Đà Nẵng sẽ có đủ sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, sớm phục hồi mạnh mẽ và bước vào trạng thái bình thường mới, phát triển bền vững.
Chín tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tại Đà Nẵng giảm 31,3% so với cùng kỳ 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước chín tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 15.049 tỉ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND TP giao.
|