Tờ The Sydney Morning Herald (SMH) cho biết Bộ Ngoại giao Anh đã đưa ra cảnh báo với một nghị sĩ cùng ba nhà vận động nhân quyền nổi tiếng khác của nước này không đi đến các quốc gia có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
Bốn người này bao gồm nghị sĩ David Alton, nhà hoạt động Bill Browder, điều phối viên Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) Luke Pulford và nhà hoạt động người Hong Kong Jack Hazlewood.
Theo nhiều nguồn tin, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Anh hôm 23-9 đã cảnh báo ông Alton, người đã thúc đẩy chính phủ London áp dụng các chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh, cần xem xét trước khi du lịch đến các nước thứ ba có thể bắt và dẫn độ họ sang Trung Quốc.
Các quan chức cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự với hai nhà vận động nhân quyền Anh Browder và Pulford và ông Hazlewood.
Bộ Ngoại giao Anh đã đưa ra cảnh báo với nghị sĩ David Alton cùng ba nhà vận động nhân quyền khác không đi đến các nước có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc. Ảnh: THE SYDNEY MORNING HERALD
Tất cả bốn người đều bị đưa vào danh sách trừng phạt của Trung Quốc với cáo buộc đã liên lạc với nhà hoạt động 30 tuổi Andy Li, người bị bắt khi cố gắng trốn khỏi Hong Kong đến Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái.
Ông Li bị kết án theo luật an ninh quốc gia, bộ luật đưa Hong Kong vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh một cách hiệu quả với hiệp ước “một quốc gia, hai chế độ”. IPAC sau đó đã kêu gọi trả tự do cho ông Li, theo SMH.
Trước đó, vào ngày 10-9, văn phòng đối ngoại Anh đã gửi một email đến bốn người này với nội dung: "Chúng tôi đã tóm tắt các tình tiết của vụ án và nêu tên một số cá nhân và tổ chức ở Anh có liên quan đến các bị cáo. Chúng tôi mời các bạn tham gia cuộc họp riêng để thảo luận về vấn đề này".
Cuộc họp diễn ra trực tuyến vào ngày 16-9, và các quan chức Bộ Ngoại giao Anh cũng nêu tên những quốc gia có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, Hong Kong, bao gồm cả Ấn Độ và Philippines, và cảnh báo cả bốn người có thể gặp rủi ro nếu họ đi đến bất kỳ quốc gia nào trong danh sách này.
Nhà hoạt động 30 tuổi Andy Li bị bắt khi cố gắng trốn khỏi Hong Kong đến Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái. Ảnh: THE GUARDIAN
“Họ muốn chúng tôi biết rằng luật an ninh quốc gia không chỉ áp dụng cho những người ở Hong Kong mà còn có thể áp dụng cho những người nước ngoài như tôi” - nhà hoạt động Browder chia sẻ sau khi tham dự cuộc họp.
Ông khẳng định mình không lo lắng về sự an toàn của bản thân vì ông đã từng né tránh nỗ lực dẫn độ ông của Nga kể từ khi ông trở thành một nhà vận động chống lại chính quyền Berlin.
Nhà hoạt động Anh cho biết thêm rằng ông chỉ đi đến các quốc gia nằm ngoài tầm với của chính phủ Nga và sẽ tiếp tục làm như vậy đối với những lo ngại xuất phát từ Trung Quốc.
Trong khi đó, điều phối viên IPAC Pulford chia sẻ ông cảm thấy ghê tởm trước những lời cảnh báo từ chính quyền Anh.
“Họ đã bỏ tù Andy Li vì đã làm những gì mà nước Anh nên làm là bảo vệ các nguyên tắc trong hiệp ước giữa Anh với Trung Quốc về Hong Kong” - ông Pulfor nói.
“Thay vì tìm cách giúp đỡ Andy, điều tốt nhất mà nước Anh có thể làm lúc này là đưa ra cảnh báo với công dân của mình hãy lưu ý đến nguy cơ bị dẫn độ. Đây là một điều đáng xấu hổ” - ông nhận định.