Theo trang tin Stars and Stripes, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ ngày 24-9 đã đi vào Biển Đông sau gần ba tháng thực hiện nhiệm vụ ở Trung Đông.
Hải quân Mỹ cùng ngày cũng ra thông cáo báo chí về việc nhóm tàu sân bay này tiến vào khu vực.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo thông cáo, nhóm tác chiến, do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu, đã trở lại Biển Đông sau gần ba tháng hoạt động ở biển Ả Rập để hỗ trợ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Chuẩn đô đốc Will Pennington - chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 70 và cụm tàu sân bay tấn công chủ lực (Carrier Strike Group – CSG) số 5 – cho biết: “Chúng tôi mong muốn tận dụng kinh nghiệm hoạt động ngoài khu vực thời gian gần đây khi chúng tôi quay trở lại Biển Đông, cũng như các liên minh và đối tác đang phát triển nhanh chóng của chúng tôi dành riêng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Theo Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan, bắt đầu tuần tra từ quân cảng tại Căn cứ Hải quân Yokosuka từ tháng 5, sẽ tiến hành các hoạt động bay, hoạt động tấn công trên biển, hoạt động chống tàu ngầm và huấn luyện chiến thuật ở Biển Đông.
"Ronald Reagan và tất cả các thành viên của nhóm tác chiến đã hoạt động với năng lượng không ngừng và cam kết trong suốt quá trình triển khai, thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi của nước Mỹ" - Đô đốc Fred Goldhammer, sĩ quan chỉ huy tàu sân bay USS Ronald Reagan, cho biết trong thông cáo.
"Khi tiếp tục sứ mệnh của mình ở Biển Đông, chúng tôi vẫn cảnh giác và sẵn sàng đáp lại những lời kêu gọi" – ông Goldhammer cho hay.
Theo Stars and Stripes, sự xuất hiện của nhóm tác chiến này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng tại Biển Đông.
Bắc Kinh đã tăng cường đều đặn sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự từ xa.
Tuần trước, Úc đã công bố một thỏa thuận mới với Mỹ để mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Washington chế tạo.
Tin tức về thỏa thuận này xuất hiện sau thông báo của Hải quân Hoàng gia Úc hồi đầu năm về việc tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Động thái trên cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, vốn Trung Quốc luôn coi là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng trước, Đô đốc John Aquilino - chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương – cho biết Mỹ đã sẵn sàng cho “bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra”, gồm cả xung đột vũ trang, khi đề cập khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đài Loan.
“Chúng tôi ở đây để tiếp tục hoạt động nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, và chúng tôi phải ở trong vị trí để đảm bảo giữ nguyên hiện trạng như đang áp dụng đối với Đài Loan" - ông Aquilino nhấn mạnh.