Từ ngày 21 đến 24/9, tại Mỹ, nhiều lễ ký kết quan trọng giữa các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Mỹ đã diễn ra. Các sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế trong nước, đem về những hợp đồng nhiều tỷ đô cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện thực hóa “giấc mơ Mỹ” của hàng không Việt Nam
Bamboo Airways đã công bố một loạt thoả thuận với các đối tác lớn của Mỹ trị giá hơn 2 tỷ USD hôm 21/9.
Cụ thể, Bamboo Airways đã ký kết thỏa thuận lựa chọn động cơ GEnx và gói bảo dưỡng máy bay Boeing 787-9 với General Electric, trị giá 2 tỷ USD. Dự kiến động cơ GEnx được chuyển giao năm 2022 sẽ được sử dụng cho đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Bamboo Airways đã ký kết thoả thuận với CFM International về việc lựa chọn động cơ LEAP-1A và dịch vụ bảo dưỡng cho toàn bộ 50 máy bay A320 Neo đặt hàng từ Airbus.
Bamboo Airways cũng chính thức công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ và giới thiệu AVIAWORLD (liên doanh của AVIAREPS AG) với vai trò Tổng đại lý chính thức của Bamboo Airways tại thị trường Mỹ, chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở các chuyến bay thẳng thương mại định kỳ Việt - Mỹ từ đầu năm tới.
Cùng ngày, Hãng hàng không Vietjet và Công ty CFM International (liên danh GE & Safran) ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng động cơ tàu bay mới trị giá 260 triệu USD, nâng tổng giá trị hợp tác giữa hai bên lên 18,5 tỷ USD.
Với quan hệ hợp tác chiến lược, lâu dài, Vietjet và đối tác CFM International đã, đang và sẽ hợp tác quản lý dịch vụ bảo dưỡng động cơ, chuyển giao công nghệ động cơ, đào tạo kỹ sư và hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay của khu vực...
CFM International là nhà cung cấp động cơ hàng đầu thế giới và cũng là đối tác cung cấp chính cho đội tàu bay của Vietjet với gần 100 tàu bay tiên tiến nhất thế giới được khai thác trên nhiều đường bay trong nước và quốc tế.
T&T Group và đối tác Mỹ ký các hợp đồng hợp tác thương mại trị giá trên 3 tỷ USD
Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn UPC Renewables (Hoa Kỳ) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo đó, hai tập đoàn sẽ cùng nhau hợp tác đầu tư các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
T&T Group cũng đã ký kết thành công 2 thương vụ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng giá trị 525 triệu USD, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước.
Bên cạnh đó, T&T Pharma đã ký kết hợp đồng phân phối dược phẩm độc quyền 5 năm (với tùy chọn gia hạn thêm 5 năm), tổng giá trị hợp đồng 23 triệu USD với Công ty Nutraceuticals dba Au Naturel, Inc. Hợp đồng này sẽ bổ sung cho thị trường thực phẩm chức năng trong nước nguồn cung đa dạng danh mục sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Saigontel & KBC ký kết với Tập đoàn Quantum
Tập đoàn Quantum Group (Mỹ) và liên danh Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (Saigontel), trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn cũng đã trao thoả thuận hợp tác đầu tư lên tới 30 tỷ USD vào ngày 22/9.
Quan hệ hợp tác giữa liên danh SGT - KBC và Quantum khi thành công sẽ mở ra luồng đầu tư nước ngoài (FDI) vào chuỗi dự án với tổng giá trị lên đến khoảng 20 đến 30 tỷ USD, trải dài trong nhiều lĩnh vực. Quantum đặt trọng tâm đầu tư tại Việt Nam vào các dự án quan trọng như nhà máy điện khí Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD); các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn như: khu công nghiệp, cảng Long Sơn.
Tập đoàn Quantum cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư lớn vào trung tâm logistic tại Bà Rịa - Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ tỉnh này kết nối Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM; logistic phía Bắc Việt Nam từ Lạng Sơn đến Hà Nội và Hải Phòng. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có ý định đầu tư xây dựng hạ tầng, viễn thông, bất động sản công nghiệp, đầu tư tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Liên danh SGT - KBC sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN của mình nhằm tạo quỹ đất sạch và dịch vụ thiết yếu sẵn sàng để cung cấp cho các NĐT. Đặc biệt, các bên sẽ cùng thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin trong nước và phát triển các phương pháp điều trị mới, kết hợp giữa Tây y, Y học cổ truyền, sinh hóa (bao gồm ca y học năng lượng) và ưu dưỡng sinh (một loại hình y học kết hợp dinh dưỡng của Ấn Độ).
Vingroup hợp tác Google Cloud về chuyển đổi số toàn diện
Ngày 23/9, Tập đoàn Vingroup và Google Cloud (Mỹ) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai chiến lược chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh.
Theo thỏa thuận, Vingroup và Google Cloud sẽ trở thành đối tác chiến lược trong quá trình chuyển đổi số trên quy mô toàn tập đoàn. Hai bên sẽ làm việc chặt chẽ để thúc đẩy áp dụng điện toán đám mây trên nền tảng Google Cloud và nghiên cứu tiềm năng ứng dụng các công nghệ dựa trên điện toán đám mây như máy học, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu thông minh trong các lĩnh vực kinh doanh đa dạng của tập đoàn Vingroup.
Việc hợp tác với Google Cloud được Vingroup kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa năng lực triển khai sản phẩm, dịch vụ và hệ thống, từ đó nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Thỏa thuận hợp tác tại dự án Chân Mây LNG
Công ty Cổ phần Chân Mây LNG (CML - Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng) và GE, EE cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ để phát triển dự án Chân Mây LNG (4.800 MW) tại Thừa Thiên Huế.
Biên bản ghi nhớ với EE trị giá 800 triệu USD này để hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG và cơ hội tiềm năng sử dụng FSRU (đơn vị điều chỉnh lưu trữ nổi) của EE.
Bên cạnh đó, CML cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với GE trị giá 2,4 tỷ USD để hợp tác, phát triển dự án Chân Mây LNG và cơ hội tiềm năng sử dụng tuabin và máy phát điện của GE.
Được biết dự án này khi đi vào hoạt động và vận hành thương mại, hàng năm, dự kiến nhà máy sẽ cung ứng sản lượng điện trung bình là 24-25 tỷ kWh.