Tại phiên thảo luận chung cấp cao thuộc khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên Hợp Quốc khóa 76, nhiều lãnh đạo từ các nước đang phát triển tiếp tục lên tiếng về tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và những hệ lụy nghiêm trọng nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, theo hãng tin AP.
Toàn cảnh ngày làm việc thứ ba hôm 23-9 của phiên thảo luận chung cấp cao thuộc khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76. Ảnh: AP
Các nước phát triển cần có trách nhiệm hơn
Trong ngày làm việc thứ ba hôm 23-9 (giờ địa phương), AP cho biết hầu hết lãnh đạo các quốc gia lên phát biểu đều thừa nhận tình trạng thiếu công bằng trong phân bổ vaccine trên toàn cầu là vấn đề đáng quan tâm, các nước đang phát triển và phát triển đang chia rẽ sâu sắc vì vấn đề này.
“Một số quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số và đang trên đà phục hồi trở lại. Nhưng ở các nước đang phát triển, việc thiếu vaccine và hệ thống y tế yếu kém đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng. Ở châu Phi, cứ 20 người thì chưa đến một người được tiêm chủng đầy đủ, trong khi ở châu Âu thì cứ hai người là đã có một người được tiêm chủng. Đây rõ ràng là một sự bất công” - Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nêu thực trạng.
Nhiều lãnh đạo châu Phi ủng hộ bài phát biểu của bà Solberg. Tổng thống Chad - ông Mahamat Idriss Deby đề nghị các nước phát triển chia sẻ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 và hỗ trợ lắp đặt dây chuyền sản xuất ở các khu vực có độ phủ vaccine chưa cao. Theo ông, virus là vấn đề chung của toàn nhân loại, không phân biệt màu da, ngôn ngữ hay bất kỳ đường biên giới nào.
“Những nước và vùng lãnh thổ chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ là nơi sản sinh ra đủ loại biến thể mới và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh lại cho các nước đã tiêm chủng đủ và an toàn” - ông Deby cảnh báo.
Đồng quan điểm, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhắc lại luận điểm vaccine lúc này là chìa khóa duy nhất đưa nhân loại thoát khỏi dịch bệnh. Tuy nhiên, 82% số vaccine đang lưu hành hiện tại lại nằm ở 1% số quốc gia phát triển, phần còn lại vẫn đang chờ vaccine mỗi ngày. Theo ông, đây rõ ràng là một bước lùi trong tinh thần đoàn kết, cùng tiến mà Liên Hợp Quốc luôn giữ gìn.
Trong phiên thảo luận ngày 22-9, Tổng thống Ghana - ông Nana Akufo-Addo cho rằng châu Phi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của “chủ nghĩa dân tộc về vaccine”. Theo nhà lãnh đạo Ghana, khoảng 900 triệu người châu Phi vẫn đang cần vaccine để đạt được ngưỡng 70% được tiêm chủng như các nước khác trên thế giới.
Tổng thống Colombia - ông Ivan Duque nêu thực trạng trong khi một số nước tích trữ số vaccine nhiều gấp 6-7 lần dân số và lên kế hoạch tiêm mũi thứ ba, một số nước khác vẫn chưa thực hiện được mũi tiêm nào.
Ông nhấn mạnh vaccine cần được phân phối đồng đều để tránh tạo ra các biến thể mới dễ lây lan và nguy hiểm hơn. Theo ông, miễn dịch toàn cầu đòi hỏi sự đoàn kết, vì vậy các nước không nên tiếp tục tích trữ vaccine.
Theo số liệu thống kê của hãng tin Reuters, khoảng 35% số người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine trên thế giới đến từ các nước có thu nhập cao và ít nhất 28% đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm vaccine ở một số nước như Haiti và Cộng hòa dân chủ Congo đang ở dưới mức 1%. |
Nhiều nước phát triển đã bắt đầu hành động
Ngày 22-9, cũng là hôm diễn ra kỳ thượng đỉnh về COVID-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì bên lề phiên thảo luận chung của ĐHĐ Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp này, Tổng thống Biden đã cam kết viện trợ quốc tế thêm 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số vaccine Mỹ cam kết viện trợ lên 1,1 tỉ liều, theo hãng tin Reuters.
Số vaccine này sẽ được chuyển đến các nước thu nhập thấp và trung bình theo xếp hạng của Liên minh quốc tế vaccine cho mọi người (GAVI), tổ chức đồng điều hành cơ chế COVAX với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông Biden còn nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết sát cánh cùng quốc tế để hoàn thành mục tiêu cho 70% dân số thế giới trong năm sau.
Theo ước tính của giới chuyên gia, thế giới hiện cần khoảng 11 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 để đạt tỉ lệ 70% dân số được tiêm chủng. Hãng dược Pfizer cho biết 500 triệu liều mà chính phủ Mỹ đặt mua nói trên đã được chuyển đến các nước bắt đầu từ tháng 8 và dự kiến tiến trình chuyển giao vaccine viện trợ sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9-2022. Có 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, 55 nước thành viên Liên minh châu Phi sẽ được nhận số vaccine viện trợ này.
Ngoài Mỹ, tại hội nghị, một số nước khác như Nhật cũng cam kết sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều, qua đó nâng tổng số vaccine mà Nhật viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Ý cũng tuyên bố cung cấp 45 triệu liều trước cuối năm nay, gấp ba lần cam kết ban đầu.•
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 ngày 22-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc chống dịch phải đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Ông cho rằng thế giới cũng cần phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu và phát triển sản xuất vaccine, trong đó có việc tạo ra những trung tâm và mạng lưới sản xuất ở các khu vực. Các nước phát triển nên tìm cách tăng cường hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, qua đó xóa bỏ rào cản liên quan đến vấn đề cung ứng. “Đại dịch COVID-19 là thách thức to lớn, hiếm có trong lịch sử loài người, đòi hỏi những hành động và nỗ lực hợp tác sâu rộng, chặt chẽ trên toàn cầu. Tôi tin rằng sát cánh bên nhau, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, cuộc sống người dân và xây dựng lại tốt hơn” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. |