Trên số báo ngày 15-9, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Phải bồi thường vì chặt cây người khác trồng trên đất của mình”. Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng phán quyết của hai cấp tòa chưa phù hợp khi bên có cây bị chặt cũng có lỗi vì tự ý xâm phạm đất của người khác.
Tòa: Chặt cây người khác trồng trên đất của mình là có lỗi
Ông S kiện ông M đòi bồi thường thiệt hại đối với 106 cây hồi mà ông M đã tự ý chặt, trong đó có hai cây bị chặt được trồng trên đất của ông M. Ông S cũng yêu cầu ông M thanh toán giá trị 154 cây hồi còn sống trên đất của ông M.
Theo ông S thì liên tục từ năm 2000, vợ chồng ông trồng cây hồi tại khu đất rừng thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn. Đến năm 2014, cây hồi của ông bắt đầu sai quả và được thu hoạch. Ông không biết đất này đã được cấp cho ai hay chưa. Ông thấy đất bỏ hoang nên mang cây đến trồng, cũng không thấy ai đến tranh chấp.
Hình minh họa
Bị đơn là ông M trình bày năm 1998, vợ chồng ông được giao quyền quản lý, sử dụng rừng và đất trồng rừng với hai lô đất (cấp sổ bìa xanh). Từ đó, vợ chồng ông quản lý, sử dụng liên tục.
Năm 2000, ông S và một số người trồng cây hồi trên đất của ông. Ông nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu di dời. Khoảng năm 2018, khi lên rừng phát cây để chia đất rừng cho các con, ông đã chặt những cây hồi trên đất của ông, không rõ số cây đã chặt.
Tòa án thẩm định tại chỗ, xác định có 156 cây hồi nằm trong phần đất của ông M, trong đó có hai cây bị chặt, 154 cây còn sống. Trong 456 cây hồi ông S trồng trên đất không phải của ông M thì có 104 cây bị ông M chặt.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Đình Lập buộc ông M bồi thường và thanh toán tổng cộng 84,55 triệu đồng. Ông M được sở hữu 154 cây hồi còn sống…
Cả hai đều kháng cáo. Ông S yêu cầu xác định giá trị cây hồi cao hơn. Còn ông M không đồng ý bồi thường và thanh toán vì đất của ông được cấp giấy từ trước khi ông S trồng cây, tuy nhiên ông yêu cầu được sở hữu 154 cây hồi còn sống vì chúng nằm trên đất của ông...
TAND tỉnh Lạng Sơn xử phúc thẩm, nhận định rằng ông M có lỗi vì để ông S trồng cây mà không có biện pháp ngăn cản. Do không ngăn cản nên xem như ông M mặc nhiên cho ông S trồng cây trên đất của mình.
Tòa phúc thẩm tính lại giá trị cây, buộc ông M bồi thường và thanh toán 108,5 triệu đồng cho ông S. Ông M được sở hữu 154 cây hồi còn sống.
Cả hai bên cùng có lỗi?
Tòa cho rằng bên chặt cây có lỗi thì phải bồi thường dù cho số cây đó trồng trên đất của chính họ. Vậy còn hành vi tự ý trồng cây trên đất của người khác thì có lỗi gì không? Chủ đất có được chặt cây người khác tự ý trồng trên đất của mình không?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định cả nguyên đơn và bị đơn trong vụ án đều có lỗi.
Việc ông S tự ý trồng cây trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông M là trái pháp luật. Tuy nhiên, ông M cũng có lỗi trong việc không áp dụng biện pháp để ngăn chặn, yêu cầu ông S di dời cây mà lại tự ý chặt cây.
“Việc ông S tự ý tạo lập tài sản trên đất của ông M là trái pháp luật nhưng ông M không được tự ý chặt cây mà chỉ có quyền yêu cầu ông S chặt, di dời cây hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết” - TS Quang nhận xét.
TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng bộ môn Luật dân sự Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cũng cho rằng trường hợp này, ông M có quyền cảnh báo và yêu cầu ông S phải tự di dời số cây trồng.
Nếu ông S bất hợp tác thì ông M mới tính đến việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền sử dụng đất của mình. Đây là xử sự cần thiết để đảm bảo trật tự xã hội được tôn trọng.
Quyền tự bảo vệ tài sản của chủ đất
Theo TS Đoàn Thị Phương Diệp, TAND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh việc “ông M để cho ông S trồng cây trên đất của mình là có lỗi” gần như không có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của ông M.
Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình huống này, tòa cần xem xét tổng thể ông M có quyền gì và quyền này được pháp luật bảo vệ như thế nào.
Theo TS Diệp, tòa cần xem xét áp dụng khoản 4 Điều 225 BLDS 2015: “Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của mình vào một bất động sản của người khác thì chủ sở hữu bất động sản có quyền yêu cầu người sáp nhập dỡ bỏ tài sản sáp nhập trái phép, bồi thường thiệt hại hoặc giữ lại tài sản và thanh toán cho người sáp nhập giá trị tài sản sáp nhập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo quy định trên thì ông S là người sáp nhập động sản vào một bất động sản. Do vậy, ông M có quyền yêu cầu ông S tự chặt bỏ cây nếu ông M không muốn giữ lại số cây.
Trường hợp ông M muốn giữ lại số cây thì ông có thể thương lượng để trả tiền cho ông S. Thậm chí, ông M có quyền yêu cầu ông S bồi thường thiệt hại nếu việc trồng cây gây giảm sút chất lượng đất.
Tòa cần xác định hành vi chặt cây của ông M là phản ứng tự bảo vệ tài sản khi có hành vi trái pháp luật của ông S, dù ông M cũng có hành vi trái pháp luật khi tự ý chặt cây.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 225 BLDS 2015 cũng nhấn mạnh đến việc người sử dụng đất có quyền lựa chọn muốn hay không muốn giữ lại tài sản của người khác tạo lập trên đất của mình.
“Vì vậy, việc tòa buộc ông M nhận 154 cây hồi còn sống trồng trên đất của ông và thanh toán tiền lại cho ông S là chưa phù hợp quy định của pháp luật. Bản án không viện dẫn được cơ sở pháp lý cụ thể về luật nội dung để có thể thuyết phục các bên tranh chấp” - TS Diệp nêu quan điểm.
Trách nhiệm bồi thường số cây bị chặt Đối với 104 cây hồi bị chặt do ông S trồng trên đất người khác (không phải đất của mình ông M) thì ông M phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho ông S theo các Điều 584, 589 và 585 BLDS. Riêng hai cây hồi mà ông S trồng trong phần đất của ông M thì do ông S cũng có lỗi khi tự ý trồng cây trên đất không phải của mình nên theo khoản 4 Điều 585 BLDS, “khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. TS NGUYỄN XUÂN QUANG, Phó Trưởng Khoa luật dân sự |