Tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển trên Biển Đông ngày 24-9 - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, nhóm tàu sân bay Ronald Reagan gồm tàu sân bay cùng tên và một số khu trục hạm, tuần dương hạm hộ tống. Hiện đây là tàu sân bay triển khai tiền phương duy nhất của Hải quân Mỹ.
Đây là lần thứ hai USS Ronald Reagan rẽ sóng Biển Đông trong đợt triển khai năm 2021, sau khi hoàn tất hỗ trợ chiến dịch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Lần gần đây nhất nhóm tàu Ronald Reagan hoạt động trên Biển Đông là vào giữa tháng 6 vừa qua.
Trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu sân bay sẽ tiến hành các hoạt động cất cánh/hạ cánh từ USS Ronald Reagan, diễn tập tấn công trên biển, chống tàu ngầm và huấn luyện chiến thuật phối hợp.
Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, nhóm tàu sân bay Ronald Reagan sẽ tiếp tục phối hợp với mạng lưới các đối tác và liên minh để "đảm bảo an ninh hàng hải và dòng chảy thương mại tự do ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
"Khi chúng tôi tiếp tục sứ mệnh của mình ở Biển Đông, chúng tôi vẫn sẽ luôn cảnh giác và sẵn sàng đáp lời khi được gọi", chỉ huy USS Ronald Reagan, ông Fred Goldhammer, nhấn mạnh trong thông cáo.
Sự xuất hiện nhóm tàu sân bay Ronald Reagan nâng tổng số tàu sân bay mà Mỹ và đồng minh hiện có tại khu vực Tây Thái Bình Dương lên 3 chiếc.
Ngoài USS Ronald Reagan đang ở Biển Đông, Mỹ còn có USS Carl Vinson đang trên biển Philippinees và HMS Queen Elizabeth của Anh cập cảng Guam từ ngày 17-9, theo báo Stars and Stripes.
Lần gần đây nhất Mỹ có 3 tàu sân bay cùng hoạt động tại Tây Thái Bình Dương là vào tháng 6 năm ngoái trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng vì một loạt vấn đề, bao gồm Biển Đông.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21-9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận nước này đang chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó, trong một cuộc họp báo vào tháng trước, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc John Aquilino, cho biết Mỹ đã sẵn sàng cho "bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra", bao gồm cả xung đột vũ trang khi nói đến khu vực này và Đài Loan.
Trong các năm qua, Việt Nam đã luôn theo dõi và đưa ra phản ứng trước các hoạt động của tàu quân sự nước ngoài trên Biển Đông.
Đối với hoạt động của tàu sân bay các nước, bao gồm của cả Mỹ và Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nhấn mạnh mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và đề nghị các bên đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn luật quốc tế tại Biển Đông.
TTO - Ngày 8-9, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đã áp sát đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép. Động thái này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Trung Quốc áp đặt luật mới, yêu cầu các tàu nước ngoài 'báo cáo'.
Xem thêm: mth.16124307052901202-gnod-neib-ial-ort-ym-yab-nas-uat-man-gnort-iah-uht-nal/nv.ertiout