SVĐ Mỹ Đình đã xuống cấp toàn diện sau gần 20 năm sử dụng do sự quản lý yếu kém, thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng - Ảnh: HỮU TẤN
Khoản thuế này vốn phải nộp cho Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Trước đó tháng 6-2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại KLHTTQG (đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước) trong giai đoạn 2009-2018.
Theo kết luận, số tiền vi phạm của KLHTTQG là gần 777 tỉ đồng, trong đó có 658 tỉ đồng tiền thuê đất chưa nộp và chậm nộp.
Bất lực trong việc thu hồi
Ngày 13-9, ông Nguyễn Trọng Hổ - giám đốc KLHTTQG - đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ VH-TT&DL báo cáo về tiến độ thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Liên quan đến khoản 658 tỉ đồng tiền thuê đất mà Thanh tra Chính phủ yêu cầu khu liên hợp phải xử lý, nộp về Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm, KLHTTQG cho biết: "Việc truy thu tiền thuê đất này, KLHTTQG không thể thực hiện được. Kính đề nghị Tổng cục TDTT báo cáo Bộ VH-TT&DL thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội trình Chính phủ cho phép KLHTTQG miễn truy thu nộp tiền thuê đất cho Nhà nước".
Trước đó, KLHTTQG đã tự ý cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê đất trên phần đất đã giải phóng mặt bằng và đang chờ triển khai dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các doanh nghiệp và KLHTTQG cũng không hề nộp tiền thuê đất cho Nhà nước với con số lên tới 658 tỉ đồng trong 10 năm.
Dù vậy, thời điểm này các doanh nghiệp đều đã trả mặt bằng và "cao chạy xa bay". Do không thu được tiền từ doanh nghiệp đã thuê đất nên KLHTTQG cũng không có khả năng nộp tiền cho ngân sách nhà nước dẫn đến nguy cơ thất thoát số tiền này.
Nhiều doanh nghiệp không đến làm việc
Ngoài ra, KLHTTQG cũng được Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải thu hồi rất nhiều khoản tiền vi phạm trong giai đoạn 2009-2018. Các khoản tiền sai phạm cần thu hồi này nằm trong các dự án: thay mặt cỏ sân tập phụ Mỹ Đình, sửa đường chạy sân vận động Mỹ Đình, thay hệ thống đun nước nóng tại Cung thể thao dưới nước... bị nâng giá từ 2 đến 7,5 lần so với giá trị thật.
Dù vậy, trong báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, KLHTTQG cho biết đã gửi hàng trăm văn bản đề nghị các doanh nghiệp đến làm việc để đàm phán, nộp lại tiền vi phạm trong thực hiện dự án nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không đến, không trả lời.
Cụ thể, về việc giảm trừ quyết toán dự án cải tạo sân điền kinh trong sân vận động Mỹ Đình, thu hồi 1,2 tỉ đồng từ liên danh Công ty TNHH thương mại và dịch vụ xây dựng Hoàng Nguyên, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng để hoàn trả ngân sách nhà nước, KLHTTQG cho biết đã 3 lần mời các đơn vị này đến họp để đòi tiền nhưng doanh nghiệp không đến và không trả lời.
Ông Cấn Văn Nghĩa chỉ mới nộp 300 triệu đồng tiền vi phạm
Sai phạm nghiêm trọng của KLHTTQG xảy ra trong thời kỳ ông Cấn Văn Nghĩa làm giám đốc (đã nghỉ hưu từ tháng 9-2018). Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu thu hồi số tiền 584 triệu đồng từ ông Cấn Văn Nghĩa và ông Nguyễn Việt Tiến - nguyên phó giám đốc khu liên hợp - vì đã cho mượn đất và 12 gian nhà thuộc Cung thể thao dưới nước. Ông Nghĩa cũng bị yêu cầu phải nộp 160 triệu đồng do cho một doanh nghiệp lấy đất làm bãi rửa xe gây thất thoát cho Nhà nước...
Dù vậy, đến ngày 13-9, ông Cấn Văn Nghĩa mới nộp lại 300 triệu đồng. KLHTTQG cho biết đang tiếp tục "đòi" bằng được tiền của ông Nghĩa và một số cá nhân vi phạm khác.
Cần khoảng 1.000 tỉ đồng để sửa sân Mỹ Đình?
Sân vận động Mỹ Đình được xây dựng và hoàn thiện vào năm 2003 để phục vụ SEA Games 22 tại VN. Tổng kinh phí xây sân Mỹ Đình lúc đó là 53 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng). Từ đó đến nay sân này chưa được tu bổ toàn diện lần nào. Những năm qua, ngân sách nhà nước cấp khoảng 66 tỉ đồng để sửa sang một số hạng mục trong sân, trong đó có việc sửa đường chạy của sân Mỹ Đình.
Hiện hầu như toàn bộ khán đài, phòng chức năng, mặt cỏ, âm thanh, ánh sáng... của sân Mỹ Đình đều xuống cấp nghiêm trọng. Theo đề án chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 tại VN, KLHTTQG dự kiến được cấp hơn 400 tỉ đồng để sửa chữa và mua mới thiết bị cho sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của KLHTTQG cho biết khi chuẩn bị cho SEA Games 31, KLHTTQG từng xây dựng danh mục các hạng mục cần sửa chữa, thay mới ở sân Mỹ Đình với số tiền gần 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên do ngân sách có hạn, sân Mỹ Đình sẽ được "đại tu" trước SEA Games nhưng do thiếu tiền nên cũng chỉ có những hạng mục rất cấp thiết như: các phòng chức năng, hệ thống phòng cháy chữa cháy... được ưu tiên sửa.
TTO - Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã có những phàn nàn gửi Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), yêu cầu nâng cao chất lượng SVĐ Mỹ Đình để chuẩn bị tốt hơn cho các trận đấu trên sân nhà của đội tuyển VN tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.