Theo tờ Nikkei Asian Review, Indonesia là quốc gia đông dân nhất khu vực và có số ca nhiễm mới lên đến 50.000 người/ngày vào thời kỳ đỉnh tháng 7/2021. Thế nhưng giờ đây, nước này chỉ có chưa đến 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày (Trong ngày 23/9/2021 là 3.263 ca nhiễm mới).
Số liệu của Our World Data cho thấy tỷ lệ dương tính với virus Sars nCov-2 tại Indonesia đã giảm xuống dưới ngưỡng 5% tổng dân số, mức tiêu chuẩn mà Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế.
Trong khi đó, những nước láng giềng của Indonesia lại vẫn đang phải vật lộn với đại dịch. Philippines có khoảng 20.000 ca mới mỗi ngày còn Malaysia thì có tới 450 ca mới tính trên mỗi 1 triệu người, mức cao nhất trong khu vực.
Trái ngược lại, dù Indonesia có tới 270 triệu người, thuộc hàng đông dân nhất khu vực nhưng chỉ có chưa tới 10 ca mới mỗi ngày tính trên mỗi 1 triệu người, mức thấp nhất so với các quốc gia láng giềng.
Vậy quốc gia vạn đảo này đã làm như thế nào khi cách đây không lâu, họ còn gặp khủng hoảng trầm trọng tại các bệnh viện cũng như nghĩa trang vì quá tải?
Bí kíp thành công
Theo các chuyên gia, vị trí địa lý đặc biệt cùng động thái thắt chặt giãn cách đã giúp quốc gia vạn đảo này thành công khống chế dịch bệnh.
"Một trong những nguyên nhân tạo nên sự thành công là việc giãn cách xã hội, vốn cực kỳ hiệu quả khi chính phủ ban hành các biện pháp khẩn cấp vào đầu tháng 7/2021", chuyên gia dịch tễ học Lẩu Navika Yamani của trường đại học Airlangga-Indonesia nhận định.
Biện pháp giãn cách khẩn cấp đã được Indonesia ban hành tại các đảo lớn như Bali Và Java, vốn là nơi đông dân cũng như có tầm quan trọng với nền kinh tế cả nước. Tất cả nhân viên đều được yêu cầu làm việc ở nhà nếu có thể, trung tâm mua sắm bị đóng cửa, trường học và nhà hàng cũng bị yêu cầu dừng hoạt động, người dân chỉ có thể mua đồ ăn mang về...
Xin được nhắc là Indonesia có khoảng 17.508-18.306 hòn đảo với khoảng 8.844 hòn đảo đã được đặt tên. Số lượng biến động do nhiều hòn đảo biến mất cũng như được hình thành do thủy triều. Chỉ có khoảng 922 hòn đảo tại Indonesia là có người sinh sống định cư lâu dài. Nhờ địa lý như vậy mà Indonesia có thể thực hiện giãn cách triệt để cũng như có lợi thế thiên nhiên trong cuộc chiến chống lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang với các biện pháp chế tài mạnh tay cho người vi phạm. Các quy định về vệ sinh, giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc... được tuân thủ khá tốt.
Thậm chí, Indonesia đã bắt đầu áp dụng hộ chiếu vaccine khi mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh số ca mới đã giảm. Những người chưa được tiêm mũi vaccine nào sẽ bị cấm vào các khu thương mại, mua sắm, nhà hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã bắt đầu cho phép trẻ em dưới 12 tuổi được vào khu mua sắm, rạp chiếu phim được mở 50% công suất, doanh nghiệp được phép cho 25% nhân viên đi làm trở lại với điều kiện họ đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Ngay sau thông tin Indonesia giảm số ca nhiễm và dần nới lỏng trở lại, mạng xã hội nước này đã bùng nổ những lời hân hoan chào đón sau nhiều tháng giãn cách. Tuy nhiên việc vui mừng quá sớm lại làm gia tăng rủi ro lây nhiễm khi số người tụ tập ngày một đông sau chuỗi ngày phải ngồi nhà.
"Dù tôi đã chủ động rời thủ đô Jakarta từ 4h sáng nhưng vẫn bị tắc đường tới 6 tiếng mới đến được Bandung. Thông thường tôi chỉ mất 3 tiếng đồng hồ lái xe", cô Dinia Yuliana sống tại Indonesia cho biết.
Số liệu của Google cho thấy vào thời kỳ đỉnh dịch giữa tháng 7/2021, hoạt động tại các khu vực bán lẻ ở Indonesia đã giảm 20% còn hoạt động giao thông giảm hẳn một nửa do người dân lo sợ nhiễm bệnh. Thế nhưng tính đến ngày 16/9/2021, các hoạt động đã dần trở lại bình thường.
Thách thức
Tờ Nikkei nhận định dù đã giảm số ca nhiễm mới nhưng Indonesia vẫn còn nhiều việc phải làm. Dù vị trí địa lý giúp Indonesia dễ giãn cách hơn nhưng chúng cũng khiến chiến dịch tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.
Số liệu của Our World Data cho thấy mới có hơn 16% dân số Indonesia là được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, thấp thứ 2 trong số 6 nền kinh tế lớn của khu vực. Những khu vực kinh tế chính như thủ đô Jakarta, Bali, Yogyakarta được ưu tiên tiêm chủng với tỷ lệ tương ứng 72,9%; 57,5% và 30,2% tổng dân số trong khi các vùng khác có tỷ lệ chưa đến 20%.
Jakasrta từng gặp khủng hoảng quá tải bệnh viện và nghĩa trang vì số người chết do dịch Covid-19 quá nhiều. Nguồn ảnh: The Guardian
Tệ hơn, Indonesia sắp bắt đầu bước vào kỳ lễ lớn của Đạo Hồi và các chuyên gia cảnh báo chính phủ cần có chính sách mạnh tay nhằm đảm bảo an toàn mùa dịch. Xin được nhắc Indonesia là quốc gia có nhiều người Hồi giáo nhất trên thế giới với khoảng 12,7% tổng số người đạo Hồi đang sống tại đây.
Trước đó, Indonesia chỉ bắt đầu siết chặt giãn cách sau khi số ca nhiễm tăng mạnh. Bất chấp việc chính phủ tuyên truyền nhưng nhiều người Hồi giáo vẫn thực hiện hành hương về quê nhà trong kỳ nghỉ lễ tháng 5/2021, qua đó làm lây lan dịch bệnh.
"Kỳ nghỉ lễ sắp tới sẽ kéo dài 2-3 tháng và chính phủ cần chuẩn bị giãn cách chặt chẽ, bao gồm từ giới hạn số người được phép thăm viếng đền thờ, hạn chế đi lại và giãn cách giữa các vùng", chuyên gia Yamani của trường đại học Airlagga nhấn mạnh.
Đồng quan điểm. chuyên gia dịch tễ học Donie Riris Andono Ahmad của trường đại học Gadja Mada University nhận định mọi người không nên chủ quan, nhất là trong tình hình tiêm chủng chậm như hiện nay ở Indonesia.
"Thậm chí Singapore và Mỹ dù đã tiêm vaccine cho phần lớn người dân và tuyên bố đạt miễn dịch cộng đồng nhưng vẫn phải đối mặt với số ca nhiễm mới gia tăng", chuyên gia Ahmad cảnh báo.
*Nguồn: Nikkei Asian Review
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị