Ngày 25-9, "Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021" được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở nhiều điểm cầu trên cả nước.
Tại diễn đàn, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho rằng Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và người tiêu dùng Hà Nội rất ưu ái các sản phẩm này.
"Tuy nhiên, có những điều tưởng chừng như đơn giản là tư vấn cho khách hàng về sản phẩm vẫn chưa được làm tốt. Ví dụ như sầu riêng, người tiêu dùng mua nhưng lúng túng chưa biết khi nào khui ra ăn mới ngon. Hay như quả bơ, bản thân tôi khi mua về cũng hay gặp tình trạng bị úng ở phần đầu.
Người tiêu dùng đã bỏ tiền ra mua, nếu gặp phải hàng bị hư về sau sẽ rất cảnh giác. Do đó, cần có tiêu chuẩn cho nông sản, nhất là đặc sản bơ và sầu riêng, về kích cỡ, sản phẩm phải có độ già bao nhiêu mới được lên kệ để bảo đảm chất lượng đến người tiêu dùng" – bà Hậu khuyến cáo.
Người tiêu dùng đã bỏ tiền ra mua bơ, sầu riêng nên đòi hỏi hàng bảo đảm chất lượng
Theo đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đang có 20.000 tấn sầu riêng, 10.000 tấn bơ đến kỳ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ sớm để được giá tốt nhất cho bà con.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho hay doanh nghiệp của bà đang cần khoảng 3.000 tấn sầu riêng để phục vụ xuất khẩu nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. "Doanh nghiệp đã ký kết với Tập đoàn Lộc Trời để quản lý vùng trồng cùng nông dân nhằm bảo đảm chất lượng nguyên liệu. Chúng tôi định hướng cho bà con nông dân sản xuất ổn định và thu mua với giá cố định" – bà Vy nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết diễn đàn là nơi để doanh nghiệp hiểu được vùng trồng các mặt hàng chủ lực của Tây Nguyên như: bơ, chanh leo, xoài, sầu riêng,… cũng như các vướng mắc đang gặp phải. Thứ trưởng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tiếp tục nắm rõ đầu mối cung cấp nông sản cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất.