Sau ba tuần hồi phục liên tiếp thì cuối cùng thị trường đã điều chỉnh trong tuần qua. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 1,47 điểm (-0,1%) xuống 1.351,17 điểm; HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,5%) lên 359,63 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,67 điểm (+0,69%) lên 98,07 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó với trung bình khoảng 25.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn HoSE và HNX. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 1,8% lên 107.830 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 15% lên 4,2 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 6,1% lên 18.774 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 9,8% lên 950 triệu cổ phiếu. Với việc tăng giảm trái chiều của hai sàn thì các nhóm cổ phiếu chủ chốt có sự phân hóa trong tuần qua. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đi cùng xu thế chung và phân hóa trở lại.
Thống kê trong số 120 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trong tuần vừa qua có 57 mã tăng cũng như 55 mã giảm.
Đáng chú ý, khác với các tuần trước, một thành viên của hệ sinh thái mang tên “Louis” là BII của CTCP Louis Land giảm mạnh trở lại với 21,8%, đây cũng là cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất trong tuần từ 20 - 23/9. Trong tuần, BII tăng trần ở phiên đầu tuần nhưng điều chỉnh ở các phiên còn lại. Cổ phiếu này có đến 3 phiên giảm sàn liên tiếp. Không chỉ BII, nhiều cổ phiếu thuộc hệ sinh thái “Louis” gồm TGG của CTCP Louis Capital, SMT của CTCP SAMETEL, VKC của CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh… đều có những phiên giảm sàn.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán có phần thận trọng trước các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng “nóng” thời gian gần đây trong khi kết quả kinh doanh không có gì khởi sắc. Ông Nguyễn Công Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những phát biểu trước các phương tiện truyền thông khi cho biết các cổ phiếu có diễn biến giao dịch bất thường luôn được nhiều cơ quan phối hợp giám sát chặt chẽ, qua nhiều cấp. Nếu phát hiện dấu hiệu hành vi vi phạm qua khâu giám sát, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hoặc phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và xử lý theo quy định.
Theo ông Minh, “UBCKNN nhận thấy thời gian gần đây một số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch có biến động mạnh về khối lượng giao dịch, về giá, trong đó có một số biến động có dấu hiệu bất thường. qua ghi nhận, một số báo, tạp chí, trang thông tin điện tử đưa thông tin về hiện tượng tăng giá của một số cổ phiếu của các tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch có liên quan đến “nhóm Louis”. Không chỉ riêng một, hay một nhóm cổ phiếu nào, mà tất cả các cổ phiếu có dấu hiệu bất thường đều được cơ quan quản lý giám sát, theo dõi chặt chẽ”.
Đứng sau BII về mức giảm ở nhóm bất động sản là 2 cổ phiếu thuộc diện thanh khoản rất thấp là DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt và HPI của CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước với 13,8% và 12,5%.
Một cổ phiếu khác đáng chú ý trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng. Trong tuần, DIG giảm 7,2% từ 34.050 đồng/cp xuống 31.600 đồng/cp. Mới đây, HĐQT doanh nghiệ này đã công bố nghị quyết thông qua việc chào bán riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, DIG có thể thu về số tiền từ đợt chào bán là 1.500 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được sử dụng đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ lần này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Theo công bố, đã có 6 nhà đầu tư tham gia đợt chào mua gồm 2 tổ chức và 4 cá nhân. Trong đó, cổ đông lớn là Đầu tư Phát triển Thiên Tân đã đăng ký mua nhiều nhất 38 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, danh sách đăng ký mua Chủ tịch HĐQT DIG Nguyễn Thiện Tuấn, Phó Chủ tịch DIG Nguyễn Hùng Cường và nhà đầu tư cá nhân Cao Văn Vũ cũng dự kiến mua vào mỗi người 10 triệu cổ phiếu.
Ở hướng ngược lại, cổ phiếu PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 27%. Tuy nhiên, thông tin liên hỗ trợ cổ phiếu này trong thời gian gần đây là không có. Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá mạnh ở nhóm bất động sản là DRH của CTCP DRH Holdings với 22,1%. Tương tự PFL thì DRH cũng không nhận được thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên, cổ phiếu này có một tuần “nổ” thanh khoản với khối lượng khớp lệnh trung bình đạt gần 4,7 triệu cổ phiếu/phiên, gấp 2,3 lần tuần trước đó.
Một cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá trên 20% là TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, đây cũng là một cổ phiếu hiếm hoi liên quan đến hệ sinh thái “Louis” còn tăng giá trong tuần vừa qua. Dù vậy, TDH cũng có một phiên giảm sàn ở ngày thứ 6 sau chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp.
Còn tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, đa số vẫn biến động hẹp với thanh khoản kém hơn tuần trước đó. BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp giảm mạnh nhất trong số 7 mã vốn hóa đứng đầu ở nhóm bất động sản với 4,7%. Bên cạnh đó, VRE của CTCP Vincom Retail cũng giảm 2,4%. Trong khi đó, các cái tên còn lại gồm VHM của CTCP Vinhomes, VIC của Tập đoàn Vingroup, NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), THD của CTCP Thaiholdings hay PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đều có mức biến động dưới 1%./.
Xem thêm: lmth.78960000042210202-9-42-02-naut-gnort-hnam-aoh-nahp-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer