Trung tá Đặng Văn Việt - Ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN
Ông mất vì tuổi già, sức yếu, sau khi đã đi qua hơn 1 thế kỷ đầy biến động của đất nước. Là một chỉ huy tài ba trên chiến trường khiến nhiều tướng lĩnh, nhà báo Pháp phải kính nể, trung tá Đặng Văn Việt sống khỏe mạnh tới già.
Ông Đặng Văn Chương - một người cháu của ông - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng bác của mình năm ngoái ở tuổi 100 (101 tuổi "ta") vẫn đi xe điện 3 bánh rong chơi phố phường Hà Nội, thăm bạn bè, người thân.
Nhà báo trẻ Louis Raymond - người đang dự định hoàn thành bộ phim tài liệu về "Hùm xám đường số 4" - trong bài đăng trên Facebook cá nhân, cho biết đã gặp ông Đặng Văn Việt lần cuối cùng năm 2019 ở Hà Nội.
Hay tin ông Việt qua đời, Louis Raymond "vô cùng xúc động" và nói Việt Nam đã mất đi một người anh hùng. Gọi ông Việt là "vị tướng không sao" nhưng Louis Raymond nhận định trong trái tim của những người biết ông Việt, ông có tất cả vinh dự trên thế giới.
Ông Đặng Văn Việt ở tuổi 100 vẫn đi xe điện rong ruổi phố phường Hà Nội thăm bạn bè, người thân. Trong ảnh là ông Việt và ông Đặng Văn Chương năm 2020 - Ảnh: Ông Đặng Văn Chương cung cấp
Ông Đặng Văn Việt sinh năm 1920, tại Nghệ An. Ông là con trai của Tổng đốc Nghệ An Đặng Văn Hướng, chắt ngoại của quan đại thần triều Nguyễn Cao Xuân Dục. Ông Việt sớm tham gia cách mạng, với tài thao lược, ông lập nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Pháp.
Trong một lá thư gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tổ chức trung ương năm 2009 đề nghị ghi nhận xứng đáng với ông Đặng Văn Việt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
"Anh Đặng Văn Việt có tinh thần yêu nước, tham gia tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Huế, sau đó vào quân đội, từng làm trung đoàn trưởng trung đoàn 174, chỉ huy đơn vị lập chiến công vẻ vang trên đường số 4".
Sinh thời, ông Việt từng kể về biệt danh "Hùm xám đường số 4" của mình. Đó chính là biệt danh do một tù binh đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ tên là Bigeard, sau này trở thành đại tướng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, đã đặt cho ông sau những trận đánh giữa hai bên.
Hai vị chỉ huy từng đối mặt nhau trên chiến trường, nhưng năm 2008 ông Bigeard đến Hà Nội tìm gặp "Hùm xám" vì lòng ngưỡng mộ, nhờ dẫn đi thăm lại chiến trường đường số 4 nơi ông ta và quân đội Pháp từng bị "Hùm xám" và Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho ông Việt những đánh giá mà ông xem như những tấm huân chương: "Sáng tạo về quân sự. Vững vàng về chính trị. Đã đánh là thắng".
Một số tướng lĩnh hàng đầu khác của Việt Nam cũng đánh giá rất cao ông Đặng Văn Việt. Đại tướng Chu Huy Mân từng nói: "Việt là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu", đại tướng Hoàng Văn Thái nhận định: "Dù khó mấy cũng đánh", thượng tướng Hoàng Minh Thảo thì ngợi khen: "Thắng lớn nhưng ít thương vong"...
Ông Đặng Văn Chương kể sinh thời bác mình từng cho biết ông đã đánh 124 trận, trong đó 120 trận thắng, chỉ có 3 trận hòa và 1 trận thua.
Ông Đặng Văn Việt đứng cao nhất hàng sau cùng, trong lễ mừng thọ bà nội Bao Thị Bích (là con đầu của cụ Cao Xuân Dục) năm 1943 - Ảnh: Ông Đặng Văn Chương cung cấp
Tuy thế, đến cuối đời, "Hùm xám đường số 4" vẫn là "người anh hùng không được phong tặng" như tựa đề một bài báo trong loạt bài về ông Đặng Văn Việt đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2016.
Dẫu còn những điều chưa toại nguyện, ông Việt vẫn sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, với một tinh thần lạc quan và mạnh mẽ, là tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu trong cả dòng họ.
Từng là một vị chỉ huy quân sự tài ba với nhiều chiến công lừng lẫy nhưng cuối đời ông Việt vẫn sống rất giản dị trong nếp nhà nhỏ. Nghỉ hưu là quãng thời gian ông trở về "trả nợ" chữ nghĩa.
Ông Việt đã xuất bản gần 20 đầu sách, phần lớn là sách về quân sự, trong đó có những cuốn ông dịch sang tiếng Pháp và xuất bản bằng tiếng Pháp.
Ông Đặng Văn Chương cho biết bác mình vẫn còn một cuốn sách rất tâm huyết viết về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có tham chiếu với các sự kiện cùng thời gian trên thế giới vẫn chưa được xuất bản.
Thông tin từ gia đình, tang lễ "Hùm xám đường số 4" Đặng Văn Việt sẽ diễn ra từ 7h30 đến 9h ngày 27-9 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
TTO - Đã sống quen với tâm trạng lúc thăng, lúc giáng nên khi nhớ đến việc nhận quyết định sang Trung Quốc học ở Trường trung cao lục quân (năm 1953) để “nâng cao trình độ”, ông vẫn thanh thản như kể chuyện đánh trận.
Xem thêm: mth.1072858062901202-teiv-nav-gnad-at-gnurt-4-os-gnoud-max-muh-teib-hniv/nv.ertiout