Năm 2020, đội bay Hãng United Airlines lại được tăng thêm 30 chiếc (thay vì giảm như nhiều hãng), đưa họ trở thành hãng bay sở hữu đội bay lớn thứ hai trong các hãng bay Mỹ - Ảnh: Simple Flying
Song có lẽ ít hãng bay nào thực hiện chiến lược chuyển đổi này nhanh chóng và thành công như United Airlines của Mỹ.
Thời thế, thế thời
Việc chuyển đổi trọng tâm kinh doanh của United Airlines đã trở thành một câu chuyện sinh tồn thành công trong đại dịch. Hiện tượng đó ngoài việc phản ánh những thách thức lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua, cũng là tín hiệu báo trước cho xu thế phát triển của vận tải hàng hóa đường không trong tương lai, ngay cả khi đại dịch qua đi.
Sau khi "bão" COVID-19 ập vào Mỹ tháng 3-2020, nhu cầu đi lại đường không nhanh chóng "bốc hơi". Theo dữ liệu công bố mới nhất của Cơ quan An toàn giao thông vận tải Mỹ, phải mất gần một năm, lượng khách đường không mới khôi phục được một nửa so với các cột mốc đỉnh điểm trước đây của ngành hàng không.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính trong năm 2020, mức lỗ ròng của các hãng bay Mỹ vượt mốc 35 tỉ USD vì ảnh hưởng đại dịch. Họ đã tăng thêm các khoản vay nợ tổng cộng 67 tỉ USD riêng trong năm ngoái (nâng tổng mức nợ lên hơn 172 tỉ USD) để giải quyết hệ lụy từ khủng hoảng COVID-19, theo Tổ chức nghiệp đoàn Airlines for America.
Để bù đắp khoảng trống doanh thu từ hành khách, từ đầu năm ngoái, nhiều hãng bay đã cậy nhờ vào hoạt động vận tải hàng hóa. Họ bắt đầu "độ" lại những chiếc máy bay dân dụng thân rộng thành máy bay chở hàng. Máy bay thân rộng là kiểu máy bay chở khách hai lối đi như Airbus A330, A340 và Boeing B747, B767 và B777...
"Ít nhất về ngắn hạn, chừng nào các chuyến bay chở khách còn bị gián đoạn, hoạt động vận tải hàng hóa được kỳ vọng sẽ giúp một số hãng bay bù đắp những tổn thất doanh thu" - chuyên gia phân tích Um Kyung-a của Công ty Shinyoung Securities tại Seoul, Hàn Quốc, từng nhận định với tạp chí Fortune về xu hướng chuyển đổi này của các hãng bay. "Với giá dầu giảm và phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, việc dùng máy bay chở khách để chở hàng sẽ trở nên kinh tế hơn với một số hãng bay" - chuyên gia này nói thêm.
Tới tháng 7 năm nay, theo Hãng tin Quartz, hoạt động đi lại đường không ở Mỹ đã gần như hồi phục tương đương trước dịch, một phần nhờ các chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 đại trà. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", sự lây lan biến thể Delta một lần nữa khiến ngành này rơi vào khủng hoảng khi số hành khách mau chóng sụt giảm do các hạn chế đi lại để phòng dịch của nhiều nước.
Tuy nhiên trong quá trình đó, các hãng bay cũng nhận thấy nhu cầu vận tải hàng hóa đường không tăng vọt do tình trạng nhiều cảng biển đóng cửa, thiếu hụt container chở hàng và trong năm qua còn xảy ra sự cố mắc kẹt siêu tàu container tại kênh đào Suez của Ai Cập. Theo đó, tất tật hàng hóa đều đã có thể "cất cánh" trên các máy bay của Cathay Pacific Airways, Korean Air Lines, American Airlines, United Airlines... từ thuốc men, điện thoại di động cho tới trái cây xuất khẩu...
Trong vòng một năm qua, theo thống kê của Cục Thống kê giao thông vận tải Mỹ, riêng ở nước này vận tải đường không đã bật tăng trở lại các mức trước dịch. Với mong muốn nhận được hàng đúng hẹn, nhiều nhà bán lẻ sẵn sàng bỏ thêm tiền để vận chuyển hàng bằng máy bay thay vì phải chờ lâu hơn qua dịch vụ vận tải biển.
Không có khách ư? Không vấn đề gì! Khoang máy bay được "độ" lại để chở hàng thay vì chở khách trong đại dịch COVID-19 của Emirates Airlines - Ảnh: Emirates Airlines
United Airlines đang dẫn đầu
Hãng tin Quartz cho rằng trong chiến lược "xoay trục" của ngành công nghiệp hàng không, từ chở người sang chở hàng như đã nêu, United Airlines - một trong 5 hãng bay dân dụng lớn nhất của Mỹ (gồm American Airlines, Delta, Southwest Airlines, United Airlines và Alaska Airlines) - đang chứng tỏ họ là hãng bay dẫn đầu trong công cuộc vượt qua khủng hoảng.
Hãng này vận hành một trong những đội bay gồm nhiều máy bay thân rộng lớn nhất thế giới với 210 chiếc ở thời điểm hiện tại trong tổng số 828 máy bay của hãng, theo trang Simpleflying. Trong 15 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19 ở Mỹ, United Airlines đã bay hơn 13.400 chuyến bay chỉ chở hàng. Theo đó, ngay cả khi tổng lượng hành khách sụt mạnh, họ vẫn mau chóng đưa lượng chuyên chở quay lại các mức như bình thường.
Và doanh thu trên mỗi tấn hàng vận chuyển lại tăng lên trong dịch. Do đó, thu nhập từ vận chuyển hàng hóa của United Airlines đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước COVID-19 và hiện đang đạt mức tổng doanh thu hơn 2 tỉ USD mỗi năm. Trong năm 2020, United Airlines cũng là một trong số ít hãng bay của Mỹ đã tăng thêm được 35 chiếc máy bay thay vì thu hẹp hoạt động như xu thế chung của hàng không tại Mỹ và nhiều nước.
Các lãnh đạo của hãng bay này đang tính toán giải pháp để vẫn có thể duy trì nguồn doanh thu tốt từ vận tải hàng hóa ngay cả khi dịch bệnh đã qua đi. Trong một hội nghị về giao thông vận tải ngày 9-9 vừa qua, ông Andrew Nocella, giám đốc thương mại của United Airlines, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang tìm giải pháp để sao cho có thể duy trì nguồn doanh thu (từ vận tải hàng hóa) nhiều nhất có thể ngay cả khi chúng ta đã ra khỏi đại dịch".
Cũng tại hội nghị này, ông Andrew Nocella cho biết căn cứ vào biến động thị trường thời gian qua do sự xuất hiện của biến thể Delta, công ty ông đã quyết định vẫn tiếp tục trông cậy vào nguồn doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tương lai. "Tôi vừa đưa thêm 5 chiếc Boeing 777-300 vào đội bay vận tải của chúng tôi trong thời gian còn lại của năm nay sau khi căn cứ vào những động lực thị trường đã quan sát thấy hiện nay" - ông Andrew Nocella giải thích.
Hãng bay United Airlines tin rằng ngay cả khi dịch COVID-19 giảm bớt, ngành công nghiệp hàng không vẫn sẽ trông cậy rất nhiều vào nguồn thu từ vận tải hàng hóa. Nếu tầm nhìn của United Airlines là đúng, hàng tỉ USD doanh thu từ vận chuyển hàng hóa sẽ đổ về cho các hãng bay. Và cùng với đó, các tuyến đường bay trên không sẽ đông đúc hơn trong thời gian tới ngay cả khi lượng hành khách đi lại chưa thể hồi phục nhanh chóng như cũ vì diễn biến còn nhiều phức tạp của đại dịch.
Hàng không thế giới còn nhiều thách thức
Đầu tháng 9 năm nay, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết mặc dù trong tháng 7, nhu cầu đi lại nội địa và quốc tế của thế giới đã có dấu hiệu tăng đáng kể, song vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước dịch. Các quy định hạn chế đi lại để phòng ngừa COVID-19 của nhiều nước sẽ tiếp tục làm chậm hơn quá trình hồi phục của ngành hàng không.
Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động đi lại quốc tế trong tháng 7-2021 đã giảm 94,2% so với tháng 7-2019. IATA đại diện cho khoảng 290 hãng hàng không, chiếm 82% hoạt động đi lại đường không toàn thế giới. Cũng trong báo cáo mới nhất này, IATA ước tính năm 2020 các hãng bay trên toàn cầu lỗ 126 tỉ USD (trong khi năm 2019 lãi 29 tỉ USD). Trong khi đó, theo thông tin ngày 13-9 của Hãng tin Bloomberg, kể từ năm 2020 tới nay, tổng nợ của các hãng bay trên thế giới đã tăng 23%, lên 340 tỉ USD. Tính tới tháng 9-2021, các hãng bay toàn cầu đã bán ra 63 tỉ USD trái phiếu và công trái.
*********
Kinh doanh lĩnh vực khác nhưng khi dịch bệnh xảy ra, họ đã chuyển hướng sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế. Điều thú vị là ít nhất 5 doanh nghiệp Mỹ có tư duy này và họ đã thực sự tồn tại.
>> Kỳ tới: Gặp dịch thì sản xuất thiết bị y tế chống dịch
TTO - Dịch giã làm rất nhiều ngành nghề và doanh nghiệp trên thế giới kiệt quệ, nhưng không ít người đã tìm ra lối thoát. Bí quyết là gì?