CSGT kiểm tra khai báo di biến động qua ứng dụng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Phương án lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, đi lại trong TP để áp dụng từ ngày 1-10 đang được Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến, các doanh nghiệp cho rằng thêm quy định quản lý xe máy cá nhân, xe khách liên tỉnh để người dân quay lại TP.HCM làm việc thuận lợi.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc xây dựng phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xe chở hàng hóa và vận chuyển một số đối tượng cần thiết, có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh để áp dụng từ ngày 1-10.
Việc tổ chức giao thông sau ngày 1-10 được chia thành 3 khu vực: phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới, mỗi khu vực có một quy định cụ thể.
Cần thêm xe cá nhân
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP.HCM) - chia sẻ: Phần lớn các doanh nghiệp vận tải đã được tháo gỡ những khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang đối mặt sự thiếu hụt nguồn hàng nghiêm trọng khiến hàng loạt container phải nằm bãi.
Nguyên nhân do các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách, các nhà máy tạm ngưng sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng nên hàng hóa vận chuyển trở nên khan hiếm.
Khi Sở Giao thông vận tải đưa ra những lộ trình lưu thông sang hướng mới từ 1-10, phần lớn cho phép nhiều lĩnh vực phương tiện hoạt động, thuận lợi cho người dân.
Thế nhưng, quan điểm của tôi lưu thông ổn định nhưng hàng hóa không có, đối với doanh nghiệp vận tải cũng không có hiệu quả gì.
Cho nên, điều cần thiết hiện nay là giải quyết từ gốc đến ngọn. Làm sao tạo điều kiện để doanh nghiệp cho nhân viên, người lao động nhanh chóng quay trở lại sản xuất.
Ôtô, xe máy vẫn chưa được nhắc tới trong đề xuất mới lần này của Sở Giao thông vận tải.
Trong khi số đông người lao động đi làm bằng xe cá nhân, chẳng hạn sáng lên TP.HCM làm việc, tối về lại Đồng Nai. Do đó, chúng ta cần có những quy định cụ thể hơn về loại phương tiện xe máy để người dân đi lại được thuận tiện nhưng kiểm soát an toàn.
Nên từng bước mở lại xe chạy tuyến cố định
Ông Phúc Thọ - giám đốc Công ty vận tải Thành Bưởi chi nhánh Cần Thơ - nêu ý kiến: Vận tải đường bộ, ngoài xe buýt, taxi chạy trong nội thành nên cởi mở để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, trong phương án vẫn chưa đề cập rõ cách thức quản lý xe tuyến cố định, xe hợp đồng như thế nào.
Tôi cho rằng, Sở Giao thông vận tải nên làm từng bước, cho phép tuyến xe cố định hoạt động vì xe này phải đưa, đón khách đều qua bến xe. Nhu cầu của người dân ở các tỉnh quay lại TP làm việc, khám bệnh... rất lớn.
Trước giãn cách, mỗi ngày Thành Bưởi chạy tuyến TP.HCM - Cần Thơ gần 30 chuyến nhưng nay đã tạm ngưng, chuyển sang chở hàng hóa. Khi khách đi xe tuyến cố định, tự thân các bến xe cũng là lớp bảo vệ, kiểm soát tốt hơn.
Xe hợp đồng sẽ khó quản, muốn chạy đâu chạy, có khi lại phá vỡ công tác phòng chống dịch. Hệ thống hậu kiểm rất quan trọng, cái nào chưa giám sát được thì tạm thời chưa mở cửa.
Theo tôi, nên tạo điều kiện người lao động quay trở lại TP.HCM làm việc, trước tiên là nghiên cứu tổ chức hoạt động xe liên tỉnh.
Tuy nhiên, trong 3 phương án mà Sở Giao thông vận tải đưa ra nhưng khi đi vào thực tế hoạt động sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như phương án 1, doanh nghiệp sử dụng lao động tự tổ chức lên phương án, gửi đến Sở Giao thông vận tải để cấp QR cho xe và thông báo đến các tỉnh.
Tuy nhiên, khâu cuối cùng lại gây khó cho doanh nghiệp là xe sẽ trả khách tại bến xe Miền Đông, Miền Tây, sau đó người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi hoặc xe trung chuyển được đăng ký trước.
Tôi e rằng phương án này không khả thi, chưa kể mỗi địa phương đang áp dụng các chỉ thị khác nhau thì phải làm sao.
Dù đây mới là phương án dự thảo nhưng cần thống nhất các tiêu chí chung mà Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng. Nên chờ Bộ Giao thông vận tải đưa ra phương án cuối cùng, áp dụng chung sẽ có tính kết nối hiệu triệu với từng địa phương, tầm bao quát rộng sẽ thuận lợi hơn.
Loại bớt các thủ tục rườm rà
TP.HCM đang dần trở lại "bình thường mới" nhưng quy định người lao động phải đáp ứng các điều kiện như có kế hoạch làm việc có xác nhận của doanh nghiệp, tiêm vắc xin, có giấy xét nghiệm âm tính được UBND tỉnh, thành phố nơi cư trú cho phép di chuyến.
Tôi cho rằng chỉ cần giấy xác nhận của doanh nghiệp cho người lao động là đủ. Trải qua 4 tháng chống dịch, khi quay trở lại sản xuất, bản thân doanh nghiệp cũng thẩm định kỹ nhân sự, chọn người lành nghề, đáp ứng đủ tiêu chí để làm việc.
Do đó, các quy trình như xác nhận âm tính hoặc được địa phương cư trú cho phép di chuyển cần phải loại bỏ, tránh ùn ứ, phức tạp.
Ông Nguyễn Ngọc Luận
CEO Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu
TTO - Để trở lại TP.HCM làm việc, người lao động phải tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế; có xét nghiệm âm tính; được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển...
Xem thêm: mth.17161248062901202-hnit-neil-ex-gnod-taoh-oc-01-1-yagn-uas-mch-pt-oav-ar-av-ial-id/nv.ertiout