Trong cuộc họp trực tuyến hôm 25-9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19 và hơn 10.000 xã, phường trên cả nước đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Điểm đáng chú ý nữa là các địa phương đã được tiếp cận, góp ý cho dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc) cho rằng cần tập trung ưu tiên vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên ở các địa phương có vai trò kinh tế-xã hội quan trọng và không thể kéo dài giãn cách được nữa.
Vai trò của Chính phủ là rất quan trọng
. Bà nhận xét như thế nào về sự chuyển đổi mục tiêu từ zero covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19?
+ Tôi cho rằng sự chuyển hướng nói trên của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19 và các địa phương là đúng hướng, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đây có thể được xem là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tôi lấy ví dụ, một trong những tiêu chí trong dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19 là “it nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19”. Tiêu chí này cực kỳ quan trọng, vì khi đảm bảo tiêu chí này thì khi mở cửa sẽ giảm được rủi ro về lây nhiễm, trở nặng nhập viện và tử vong. Khi đó mới có thể nói là “sống chung an toàn” với virus SARS-CoV-2.
Điều tôi quan tâm nhất là tới đây thì làm thế nào các tỉnh, thành có thể đảm bảo được các tiêu chí mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19 dự kiến đề ra để có thể mở cửa trở lại an toàn. Đó là điều cực kỳ quan trọng mà rất nhiều người quan tâm vì phải nhấn mạnh rằng nhiều địa phương, nhất là TP.HCM và một số tỉnh lân cận đã giãn cách nhiều tháng. Nếu tiếp tục siết giãn cách như hiện nay thì nền kinh tế và cả đời sống người dân đều sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
. Dựa theo các tiêu chí trong dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19 thì có thể thấy các tỉnh, thành có cấp độ dịch bệnh khác nhau (xanh, vàng, cam, đỏ). Như vậy, từ góc độ của Chính phủ thì việc triển khai chính sách bình thường mới cần phải lưu ý điều gì?
+ Vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế là rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các khu vực có vai trò trọng tâm sớm trở lại trạng thái màu xanh. Vì sao vai trò Chính phủ là rất quan trọng? Bởi Chính phủ, Bộ Y tế nắm giữ nguồn cung vaccine là chủ yếu, quyết định việc phân bổ vaccine – chìa khóa quan trọng nhất cho các địa phương từ cấp độ nguy hiểm trở về cấp độ an toàn để có thể phục hồi và phát triển kinh tế.
Điểm mấu chốt hiện nay là vaccine đang và dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2021, trong khi về tâm lý thì tỉnh, thành nào cũng muốn có vaccine để sớm tiêm phủ cho người dân. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế buộc phải lên danh sách ưu tiên. Việc này đòi hỏi sự tính toán kỹ về rủi ro và lợi ích trong các phương án phân bổ vaccine cũng như sự đồng cảm, chia sẻ của các địa phương khi có nơi ưu tiên tiêm trước còn nơi tiêm sau. Cũng giống như khi triển khai tiêm, người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền được ưu tiên tiêm trước trong khi người trẻ và khỏe mạnh hơn thì sẽ được tiêm sau.
Việc lên danh sách ưu tiên và phân bổ vaccine lúc này là rất quan trọng vì nếu lúng túng hoặc chần chừ thì có thể khiến tình hình dịch bệnh ở một số địa phương trở nên phức tạp hơn, khi đó ca nhiễm và tử vong lại tăng trở lại. Khi vaccine tiêm chưa đủ 2 mũi thì buộc các địa phương phải kéo dài giãn cách để bảo vệ sinh mạng người dân và hệ thống y tế.
Người dân TP.HCM đi tiêm vaccine mũi 2. Ảnh: HOÀNG GIANG
TP.HCM cần tiêm 1 triệu liều vaccine
. Theo khuyến nghị của bà dựa vào tình hình dịch bệnh cũng như mức độ giãn cách hiện nay ở các địa phương, thì ưu tiên vaccine nên tính toán như thế nào?
+ Tôi nghĩ nguyên tắc là nên dồn vaccine cho các địa phương vùng đỏ, vùng cam mà đã thực hiện chính sách giãn cách quá lâu. Trước tiên là TP.HCM. Địa phương này đang cần tiêm gấp 1 triệu liều vaccine. Như thế nào là “cần gấp”? Trước hết, TP cho đến hết tháng 9-2021 đã trải qua khoảng bốn tháng giãn cách khiến nền kinh tế, đời sống – xã hội bị thiệt hại nặng nề, và các chuyên gia kinh tế lẫn xã hội đều có chung nhận định là không thể tiếp tục đóng cửa nữa. TP hiện có số ca nhiễm và tử vong cao nhất cả nước.
Ngoài ra, TP là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đi đầu về các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu; là trung tâm tài chính-thương mại có ảnh hưởng đến các tỉnh, thành xung quanh và cả nước nói chung. TP cũng là địa phương đóng góp ngân sách cao nhất cả nước, là nơi thu hút nguồn nhân lực từ khắp mọi miền. TP.HCM thiệt hại nặng tức là các tỉnh, thành khác cũng bị ảnh hưởng và cả nước bị thiệt hại nặng, bởi TP là một bộ phận rất quan trọng của Việt Nam.
Quan trọng không kém, hiện nay đã đến thời hạn tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 từ tháng 7 và đầu tháng 8. Vì vậy việc triển khai mũi 2 sẽ rất thuận lợi. Vậy TP cần khoảng bao nhiêu liều vaccine để đảm bảo mục tiêu 80% cho người từ 50 tuổi trở lên? Theo tính toán của tôi là 1 triệu liều. Khi đó, TP có thể bắt đầu nới lỏng, sản xuất và phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, TP không thể mở cửa một mình vì như tôi đã nói, TP là trung tâm kết nối các tỉnh, thành xung quanh như như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh. Vì vậy, vaccine cần được tính toán cho người từ 50 tuổi trở lên ở các địa phương này, sau đó mở rộng ra cho các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo tính toán của tôi, chúng ta cần tổng cộng 4,3 triệu liều vaccine. Số lượng vaccine này sẽ phục vụ cho khu vực đóng góp đến 45% GDP của cả nước. Tôi cho rằng đây là bài toán kinh tế và sinh kế cực kỳ quan trọng mà Chính phủ và Bộ Y tế có thể xem xét quyết định sớm để đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế cho cả nước.
Với các khu vực còn lại thì theo tính toán của tôi, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần khoảng 6,3 triệu liều để đảm bảo mục tiêu 80% người tuổi 50 tuổi trở lên; và với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thì sẽ cần khoảng 4,5 triệu liều vaccine. Như vậy, với khoảng hơn 15 triệu liều vaccine, Chính phủ sẽ đảm bảo mục tiêu về vaccine để mở cửa cho các khu vực chiếm khoảng ¾ GDP của cả nước.
. Bà có lưu ý gì về cấu trúc hay cơ cấu vaccine của TP.HCM hiện nay khi triển khai tiêm mũi 1 và cả mũi 2 cho người từ 50 tuổi trở lên?
+ TP.HCM thời gian qua nhận vaccine từ nhiều nguồn khác nhau và đa dạng chủng loại, từ Astrazeneca, Moderna đến Pfizer, Sinopharm. Để tiến độ tiêm tối ưu và phù hợp thì tôi cho rằng nên tập trung Pfizer và Moderna cho mũi tiêm thứ 2 nếu đủ. Nếu thiếu thì có thể bổ sung thêm Astrazeneca. Những ai tiêm Vero Cell mũi 1 thì có thể tiêm mũi 2 cùng loại.
Với các tỉnh khác tiêm còn ít, thì không nên tiêm Pfizer hay Moderna cho mũi 1 vì đây là hai loại vaccine khan hiếm nhất hiện nay, nên nếu tiêm mũi 1 mà không chủ động được nguồn cung mũi 2 thì rất khó khăn.
Nhiều người dân quận 7 đã được tiếp cận với dịch vụ ăn uống sau nhiều tháng thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách của Thành phố. Ảnh: NGUYỆT NHI
Địa phương phải tự thân, người dân phải tự giác
. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, ví dụ về vaccine hay các hướng dẫn về an toàn, thì tự thân các địa phương như TP.HCM phải đảm bảo điều kiện gì để bình thường mới?
+ Phải nhìn nhận một thực tế rằng rồi mỗi địa phương về lâu dài phải tự chủ về hệ thống chữa trị cho người nhiễm COVID-19. Hiện TP đang được lực lượng y tế từ Trung ương và một số địa phương hỗ trợ, nhưng rồi họ sẽ rút dần chứ không thể ở lại TP mãi được. Cho nên, theo dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19, các địa phương phải xây dựng năng lực chữa trị từ tuyến cơ sở như phường, xã đến quận, huyện và các tuyến trên. Trên địa bàn TP hay một tỉnh, thành thì các phường, xã, quận, huyện cần tập huấn và hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực với nhau. Đó là vai trò điều phối của chính quyền địa phương. Theo kinh nghiệm điều trị ở TP.HCM, nếu tuyến cơ sở phát hiện F0 sớm, chữa trị kịp thời thì sẽ giảm trở nặng và tử vong.
Bên cạnh đó, phải nhấn mạnh lại là ưu tiên vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên để giảm thiệt hại về người, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Với các địa phương chưa có điều kiện vaccine, hệ thống y tế vẫn chưa đảm bảo thì buộc lòng phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ số ca nhiễm, trong đó không loại trừ biện pháp giãn cách xã hội.
Cuối cùng, tôi muốn nói đến vai trò người dân – yếu tố rất quan trọng trong bình thường mới. Chính phủ lo vaccine, địa phương lo hệ thống chữa trị, thì phần tự quyết còn lại phụ thuộc vào ý thức của người dân. Khi sống với SARS-CoV-2 thì mỗi người buộc phải hạn chế đến nơi đông người không cần thiết, ít nhất là cho tới khi tất cả mọi người đều được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Các biện pháp y tế công cộng như 5K cần tiếp tục được tuân thủ và tốt nhất là trở thành thói quen về lâu dài để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh.
. Xin cám ơn bà.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng quan tâm ưu tiên vaccine cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa kinh tế. Trong đó, TP.HCM đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tuy nhiên với điều kiện đặc thù của TP.HCM, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP.HCM sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng. TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm ưu tiên vaccine cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. T.LÂM - L.THOA |