Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, đến nay anh Tuấn (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã gần 3 tháng không được trở về nhà. Cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ nơi anh làm việc dù chỉ hoạt động cầm chừng vì đầu ra không có, nhưng vẫn cố gắng hỗ trợ cho anh em. Bởi họ sợ mất nhân công khi chứng kiến không ít xưởng sản xuất khác nhiều người đã phải bỏ nghề.
"Hiện trong đợt dịch này, công ty lo toàn bộ ăn, ở cho công nhân tại công ty. Dịch không có việc thì công ty trả lương cơ bản cho anh em, để anh em có một số tiền nho nhỏ vượt qua đợt dịch này", anh Lưu Quang Tuấn cho biết.
Thay vì đi tìm một ngành nghề mới, nhiều xưởng sản xuất tại các làng nghề vẫn cố trụ lại, chọn đổi mới chính ngành nghề mình đang làm. Mỹ nghệ phục vụ du lịch giờ chỉ là phụ, họ buộc phải lựa chọn sản xuất những mặt hàng dự phòng khác.
Đến nay, Hà Nội đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, các làng nghề đang cố gắng "vươn mình" hồi phục sau một "trận ốm" dài. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Sản xuất hàng tang lễ để phục vụ hỏa táng thì vẫn đảm bảo nhu cầu để công nhân làm trong dịp bệnh dịch. Những công nhân đi giao hàng, bốc xếp hàng thì phải đeo khẩu trang, trước khi lên xe, xuống xe phải sát khuẩn", ông Nguyễn Văn Tư - Giám đốc Công ty TNHH Tư Hường, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chia sẻ.
Còn với bà Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), để các nhân công tại làng nghề dệt có thể tiếp tục làm việc trong mùa dịch, bà đã nghĩ ra ý tưởng làm khẩu trang 3 lớp từ lụa tơ tằm. Mỗi ngày, xưởng của bà Thuận sản xuất ra hơn 100 chiếc khẩu trang, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho công nhân tại xưởng.
"Lụa tơ tằm rất thoáng và ngăn được bụi, chống dịch được, làm cho người đeo khẩu trang cảm thấy mát, dễ chịu. Từ khi bán được khẩu trang, chúng tôi có thêm tiền để đủ trả lương nhân", nghệ nhân Phan Thị Thuận cho hay.
Đến nay, Hà Nội đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, các làng nghề cũng đang cố gắng "vươn mình" hồi phục sau một "trận ốm" dài, tuy sức sống chưa mạnh mẽ như trước nhưng vẫn đầy tiềm lực trỗi dậy. Việc thay đổi cách thức hoạt động thời điểm này được coi là phương pháp tối ưu để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
VTV.vn - Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền… những giải pháp của Nghị quyết 105 được kỳ vọng sẽ kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.84694023162901202-hcid-aum-ohk-touv-hnim-nouv-ion-ah-ehgn-gnal/et-hnik/nv.vtv