Việc ngành điện huy động công suất cắt giảm phát điện mặt trời mái nhà lên lưới điện chưa nhận đạt sự đồng thuận từ doanh nghiệp đầu tư. Nguyên nhân là trong các hợp đồng điện giữa chủ đầu tư và ngành điện chưa thể hiện rõ các điều khoản ràng buộc việc mua bán điện. Đó còn là sự thiếu minh bạch trong việc cắt giảm công suất phát lưới giữa chủ đầu tư này với các chủ đầu tư khác.
Đây là cái cái kết đã được nhìn thấy từ trước bởi sự phát triển ồ ạt các dự án năng lượng mặt trời và ngay cả cơ chế khuyến khích nhưng thiếu giám sát, kiểm tra của chính quyền…
Thiếu minh bạch?
Câu chuyện ngành điện huy động tiết giảm công suất phát lưới tại các dự án năng lượng mặt trời vẫn còn gây tranh cãi. Tại Gia Lai, Khánh Hòa, hàng chục doanh nghiệp điện mặt trời đã làm đơn tập thể gửi đến cơ quan có thẩm quyền, nêu vướng mắc về cơ chế điều hành bất cập của ngành điện hiện nay.
Các doanh nghiệp cho rằng việc cắt giảm công suất điện mặt trời, nguyên nhân chủ quan thuộc về các cơ quan ngành điện. Đó là công tác dự báo, quy hoạch phát triển điện mặt trời của các cơ quan chức năng còn hạn chế, thiếu chính xác. Hệ thống truyền tải, cơ sở hạ tầng phục vụ truyền tải điện của ngành điện chưa phát triển đồng bộ với việc phát triển điện mặt trời.
Còn tại Đắk Nông, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc Công ty Điện lực Đắk Nông cắt giảm công suất điện năng lượng mặt trời không có sự đồng nhất, thiếu minh bạch; sản lượng cắt không rõ ràng đầu tuần có thể cắt 20% cuối tuần 60%.
Ông Nguyễn Tăng Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Đạt (Đắk Nông) dẫn chứng, trong quá trình cắt giảm mua điện, Công ty Điện lực Đắk Nông báo tin nhắn cắt 25%, tuy nhiên, Chi nhánh điện lực huyện Đắk Mil thì thông báo 57%. Mặt khác, hàng tuần, Công ty điện lực Đắk Nông không thống kê báo cáo tổng thể ai cắt, ai không cắt, để đảm bảo công bằng.
Trong khi đó, các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và các công ty điện lực thành viên ở miền Trung - Tây Nguyên có nhiều nội dung thiếu rõ ràng. Như hợp đồng có thời hạn 20 năm giữa Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (Điện lực Khánh Hòa) và Công ty TNHH Solar Thăng Long ngày 31.12.2020 chỉ nêu chung chung về giá mua điện dựa vào Quyết định số 13 của Chính phủ.
Trong khi đó, Quyết định số 13 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời lại nêu: “Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới phát lên hệ thống lưới điện quốc gia phù hợp với quy định về vận hành hệ thống điện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành điện”.
Hệ lụy đã từng được cảnh báo
Về phía ngành điện, khi được hỏi, các công ty Điện lực: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa đều cho rằng, việc giảm huy động nguồn điện mặt trời mái nhà thực hiện theo kế hoạch huy động nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
Các công ty này đều chung một quan điểm: Khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, phụ tải bắt đầu tăng trở lại, ngành điện sẽ tăng dần việc huy động công suất nguồn phát. Khi đó, đơn vị sẽ tạo điều kiện để chủ đầu tư khai thác hiệu quả việc phát điện của công trình điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nước ta hiện đang có số lượng các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Mặc dù trong quy hoạch đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt khoảng 6.000-7.000 MWp. Tuy vậy, đến năm 2021 thì chúng ta đã đạt tới 22.000 MWp – vượt quá xa so với quy hoạch ban đầu.
“Chúng ta phải hiểu điện mặt trời và điện gió trong bờ giúp ngành điện bù vào hệ thống vận hành trong giờ cao điểm chứ không phải có vai trò thay thế. Tuy vậy, hiện nay công suất của hệ thống năng lượng mặt trời đã lên rất cao.
Trong khi đó hệ thống truyền tải của chúng ta không thể theo kịp các dự án tự phát, lẻ tẻ, thiếu quy hoạch” – ông Trần Viết Ngãi nói.
Đã qua rồi giai đoạn Chính phủ khuyến khích để nhà nhà, người người xây dựng các hệ thống năng lượng mặt trời. Sau thời gian bùng nổ các dự án năng lượng mặt trời khắp miền Trung – Tây Nguyên, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp, ngành điện và chính quyền cùng ngồi lại để tìm giải pháp hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên.
Chuyện đối thoại không chỉ nằm ở tiết giảm công suất phát lưới mà còn cả việc rà soát lại các dự án năng lượng mặt trời theo quy hoạch sử dụng đất, tránh xây dựng trái quy hoạch, mọc ra dự án trá hình, núp bóng trang trại…