Các doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM gặp khó khăn do dịch bệnh ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 26-9, ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM nêu lên các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp vào sáng 26-9.
Cụ thể, ông Dũng cho hay tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, chỉ có 652/1.412 doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" với 51.000 công nhân, chiếm khoảng 18% năng lực sản xuất của toàn bộ các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu chế xuất, tỉ lệ duy trì hoạt động "3 tại chỗ" chiếm khoảng 15%.
Số lượng doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất trong 3 tháng qua là khoảng 70%, tương ứng năng lực sản xuất còn hoạt động của TP chỉ chiếm khoảng 30%.
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp "3 tại chỗ" đều báo cáo thua lỗ, chủ yếu bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì nguồn lao động chủ chốt của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngừng sản xuất cũng chịu thiệt hại nặng khi đứt gãy hoàn toàn thị trường, chuỗi cung ứng và không kiểm soát được nguồn nhân lực, chi phí duy trì.
Đồng thời, chi phí lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng ăn mòn vào vốn của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không có khả năng phục hồi. Theo ông Dũng, qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp đầu tháng 9 vừa qua, có đến 40% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng vốn chỉ còn đủ hoạt động trong 1 tháng.
Theo chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đến nay "các doanh nghiệp đã sức cùng lực kiệt", rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và TP mới có thể phục hồi.
Từ thực tiễn trên, tại hội nghị do Thủ tướng chủ trì, ông đã kiến nghị cần tháo gỡ vướng mắc trong 3 nhóm vấn đề, gồm: công tác phòng chống dịch, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tháo gỡ các vướng mắc khi thực thi các chính sách đã ban hành.
Đối với công tác chống dịch, ông Dũng kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hành kinh tế xã hội tương ứng với các tình huống.
"Ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch của người dân và doanh nghiệp nâng cao, vì vậy đề nghị ngành y tế không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao trong doanh nghiệp, nhân sự mới, để giảm bớt gánh nặng chi phí", ông Dũng nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, thời gian qua chính sách phòng chống dịch của các địa phương có nhiều khác biệt nên đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước, do đó ông Dũng đề xuất Chính phủ cần có các quy định chỉ đạo nhất quán để các địa phương không ban hành các quy định gây cản trở ách tắc hoạt động lưu thông phân phối, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ông Dũng cho hay dù dịch ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, song mức độ thiệt hại khác nhau, nhất là đối với các doanh nghiệp ở trong vùng tâm dịch phải cách ly, giãn cách thời gian dài như TP.HCM.
Do đó, ông Dũng đề nghị Thủ tướng khi ban hành các chính sách cần có quan tâm ưu tiên tới tính chất đặc thù, có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sớm được phục hồi...
Đồng thời, ông kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc khi thực thi các chính sách đã ban hành liên quan đến nghị quyết 68 và quyết định số 23 để doanh nghiệp có thể tiếp cận về vốn vay, nguồn tài chính...
Mở cửa chậm hơn sẽ phải trả giá đắt
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng việc điều chỉnh chiến lược chống dịch từ không COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID, "sống chung với COVID-19" là rất đúng đắn, kịp thời.
Ngoài ra, việc gia tăng nguồn cung và đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin, tiêm đúng, tiêm trúng các nhóm đối tượng ưu tiên nhất… đã mang lại những kết quả khích lệ và các chỉ số đều thể hiện xu hướng rất tích cực trong những tuần gần đây.
Do đó, ông Lộc cho rằng đây là cơ sở vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo ông Lộc, đây chính là "thời gian vàng" để giải cứu doanh nghiệp. Sức chống chịu của các doanh nghiệp, nền kinh tế đang tiến tới ngưỡng giới hạn và mở cửa là "cỗ máy trợ thở" lớn nhất cho các doanh nghiệp.
"Mở cửa chậm hơn là chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các doanh nghiệp đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư", ông Lộc khẳng định.
"Không xin hỗ trợ tiền, chỉ xin tháo gỡ vướng mắc"
Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho hay trong gần 2 năm qua, doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn tương tự như các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Theo ông Châu, doanh nghiệp ngành này "không xin Chính phủ hỗ trợ tiền mà chỉ xin nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật".
Ông Châu cho biết đã đề xuất trước Thủ tướng 2 nội dung, trong đó ông đề nghị sửa đổi điểm c khoản 1 điều 75 Luật đầu tư, thực chất là sửa đổi khoản 1 điều 23 Luật nhà ở để tháo gỡ ách tắc các dự án nhà ở có đất nông nghiệp, hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở là những dự án quy mô lớn, nhưng 5 năm qua chưa được công nhận chủ đầu tư.
Thứ hai, ông đề nghị Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt thực hiện 2 chính sách nhà ở đã có sẵn là nghị định 69 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và chính sách phát triển nhà ở xã hội và đề xuất Chính phủ thí điểm ban hành chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân là người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
TTO - Sáng 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.