Ngày 26/9, Công an TP Hà Nội thông tin, Công an quận Bắc Từ Liêm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 290 triệu đồng.
Trước đó, Công an phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) tiếp nhận tin trình báo của anh Phong (tên bị hại đã được thay đổi) SN 1984, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 290 triệu đồng.
Theo trình báo, ngày 15/9, anh Phong nhận được điện thoại thông báo anh bị vi phạm giao thông tại Đà Nẵng. Sau khi giải thích là mình không đến Đà Nẵng thì anh Phong được nối máy với một đối tượng tự xưng là Công an TP Đà Nẵng.
Qua điện thoại, vị "cán bộ công an Đà Nẵng" thông báo anh Phong đứng tên thuê xe ô tô gây tai nạn chết người trong Đà Nẵng, đồng thời liên quan tới một đường dây mua bán ma túy. Để không bị bắt, anh Phong bị đối tượng yêu cầu kê khai tài sản và chuyển tiền cho các đối tượng để xác minh.
Sau khi cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu ngân hàng, anh Phong phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 290 triệu đồng. Lúc này, anh Phong mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân, đây là thủ đoạn lừa đảo, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Vay tiền qua app, nam thanh niên mất 250 triệu đồng
Công an quận Long Biên (Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 252,5 triệu đồng.
Theo đó, ngày 16/9, Công an phường Thạch Bàn (Long Biên) tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (SN 1992, trú tại Long Biên, Hà Nội) về việc có đăng ký vay tiền online qua app với lãi suất 0,5%. Anh T. được hướng dẫn chuyển tiền trước mới được vay tiền.
Nạn nhân làm theo hướng dẫn, chuyển 252,5 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được khoản vay. Lúc này, anh T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Một vụ việc tương tự, đầu tháng 9, chị V. (SN 1970, trú tại Sơn Tây, Hà Nội) thấy một tài khoản zalo quảng cáo cho vay tiền với thủ tục nhanh gọn nên đã đăng ký vay. Khi gửi hồ sơ vay 300 triệu đồng, chị V. được yêu cầu chuyển tiền đóng phí bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay.
Tin là thật, người phụ nữ đã chuyển 130 triệu vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được khoản vay nào. Lúc này, chị V. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Theo Công an Hà Nội, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều người dân có nhu cầu vay tiền để phục vụ cuộc sống. Đánh vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, các đối tượng đã tạo lập các app vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Những lời mời chào vay vốn thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí chuyển tiền sẽ được vay khoản tiền lớn có thể khiến nhiều người "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước loại hình vay tiền trên, không cài đặt các app vay tiền online hoặc vay tiền qua mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.
Phúc Lâm