vĐồng tin tức tài chính 365

Thách thức giữ ngôi á quân của ngành xuất khẩu nội thất

2021-09-27 09:07

Thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8 ước đạt 949 triệu USD. Lũy kế 8 tháng ước đạt 11,217 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ. Xuất siêu gỗ và lâm sản ước đạt 9,149 tỷ USD.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến mới đây, quy tụ 350 đại điện đến từ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngành công nghiệp nội thất Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết những con số này phản ánh nỗ lực rất lớn của ngành trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Italy và chỉ đứng sau Trung Quốc trong top các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu công nghiệp.

Năm nay, ngành này đặt mục tiêu chinh phục mốc 14,5 tỷ USD để giữ vững ngôi vị thứ hai xuất khẩu trên thế giới. Điều này có nghĩa, ngành nội thất cần một chiến lược thích nghi với áp lực chuỗi cung ứng và phục hồi hiệu quả trong 3 tháng còn lại.

Triển lãm tại Tuần lễ Giao thương Quốc tế Ngành Chế Biến Gỗ & Thủ Công Mỹ Nghệ ngày 14/4/2021, tại TP HCM. Ảnh: HAWA

Triển lãm tại Tuần lễ Giao thương Quốc tế Ngành Chế Biến Gỗ & Thủ Công Mỹ Nghệ ngày 14/4/2021, tại TP HCM. Ảnh: HAWA

Thách thức đầu tiên là giá gỗ đang tăng chóng mặt. Theo Business Insider, giá gỗ xẻ toàn cầu tăng cao nhất từ trước đến nay trong quý I/2021. Giá gỗ xẻ tăng mạnh ở Bắc Mỹ và châu Âu, dẫn đến giá gỗ xẻ ở hầu hết nơi trên thế giới đều cao hơn so với trước đó.

Chỉ số giá gỗ súc toàn cầu - Global Sawlog Price Index (GSPI), đã tăng ba quý liên tiếp, lên gần 79 USD mỗi m3 trong quý đầu năm. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình suốt 25 năm qua. Đến quý II, GSPI thậm chí đã vọt lên mức 112 USD mỗi m3.

Tương tự, chỉ số giá gỗ súc châu Âu – European Sawlog Price Index (ESPI) đã tăng lên 81,44 euro mỗi m3 trong quý I, tăng 9% so với quý trước đó. Ở Mỹ, giá gỗ xẻ tháng đã đạt kỷ lục, cao gấp 3 lần so với 12 tháng trước đó. Các chuyên gia phân tích, giá gỗ xẻ Mỹ có thể tăng lên tới 65% vào cuối năm 2021.

Ông John Chan, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cứng Mỹ - AHEC cho biết, nhu cầu nội địa ở Mỹ và châu Âu tăng cao, cộng với các phụ phí phát sinh vì Covid-19 chính là nguyên nhân khiến giá gỗ leo thang. Chưa kể, giá nhân công và những khó khăn do đại dịch cũng cản trở chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Ông Oliver Richard, Giám đốc công ty ANVS, đơn vị chuyên xuất khẩu gỗ từ châu Âu, đặc biệt là Pháp sang Việt Nam cho biết, nhu cầu về gỗ ngày càng lớn nên việc giá tăng sẽ là thách thức trong thời gian tới. Để giải bài toán này, ông cho rằng doanh nghiệp cần tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng gỗ để có thể tiết kiệm nguyên liệu. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng kết hợp các nguyên liệu khác để đảm bảo giá thành tốt nhất.

Theo gợi ý của ông John Chan, doanh nghiệp nội thất nên tìm hiểu và thử nghiệm các nguyên liệu khác. Ngành chế biến gỗ Việt Nam chỉ đang tập trung sử dụng Dương Vàng, Sồi Trắng và Óc Chó... Trong khi, thị trường còn khá nhiều chủng loại gỗ thích hợp sản xuất nội thất khác.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp cho biết, nguồn cung gỗ hợp pháp trong nước như cao su, tràm, keo... không nhỏ, đáp ứng được trên 75% nhu cầu sản xuất của ngành. Nhưng nguồn nguyên liệu này chỉ mới tập trung phục vụ các khâu thô như sản xuất viên nén, dăm gỗ mà chưa được dùng nhiều vào việc sản xuất nội thất có giá trị cao hơn.

"Doanh nghiệp chế biến gỗ cần quan tâm hơn đến nguồn nguyên liệu bản địa này. Chủ động về mặt nguyên liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững", ông Nghĩa gợi ý.

Thách thức thứ hai là chi phí logistics. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA), giá cước vận chuyển toàn cầu đang tăng thẳng đứng. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư kí VLA cho biết, nếu năm 2020, đứt gãy chuỗi logistics diễn ra ở châu Âu thì năm 2021, đứt gãy xảy ra ở châu Á. Tình trạng này không có dấu hiệu dừng lại.

"Với ngành chế biến gỗ, thay vì nhập gỗ xẻ trực tiếp như trước đây, có thể chọn giải pháp nhập gỗ tròn bằng tàu rời thay vì container để có giá thành tốt hơn, ít biến động", ông Minh tư vấn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng gia công khâu xẻ sấy, cung cấp cho khối sản xuất nội thất.

Dự báo chuỗi cung ứng ngành gỗ vẫn sẽ còn nhiều thách thức trong thời gian tới. Theo ông Atiwet Hawaree, Phó chủ tịch công ty Panelplus Thái Lan, không chỉ vấn đề vận chuyển, mà nhu cầu điện sinh học, giá dầu tăng, giá mủ cao su tăng cao... sẽ cạnh tranh trực tiếp đến nguồn cung gỗ nguyên liệu cho nhà sản xuất.

"Doanh nghiệp trong ngành trước mắt đang cần một chiến lược nguyên liệu hiệu quả. Trong đó, bao gồm cả việc tính toán các giải pháp nguyên liệu thay thế, kết hợp nguyên liệu cũng như liên kết mua chung, tổ chức lại sản xuất", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), nhận xét.

Theo ông Khanh, dịch bệnh vẫn đang diễn ra nên những thách thức về logistic rất khó thay đổi trong thời gian tới. Trong khó khăn chung, doanh nghiệp cần liên kết lại để có thể tạo nên các giá trị mới.

Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc công ty Tavico cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần có sự hợp tác bằng giải pháp mua chung để có được những đơn hàng lớn, ổn định về giá. "Các đơn hàng mua chung nguyên liệu cũng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí vận chuyển", ông Hà nêu.

Viễn Thông

Xem thêm: lmth.9522634-taht-ion-uahk-taux-hnagn-auc-nauq-a-iogn-uig-cuht-hcaht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thách thức giữ ngôi á quân của ngành xuất khẩu nội thất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools