Theo tờ Financial Times, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã sẵn sàng điều động hàng trăm quân nhân nhằm giải quyết tình hình khủng hoảng xăng dầu hiện nay. Ít nhất một nửa số trạm xăng của Anh hiện đã phải đóng cửa vì thiếu nguồn cung trong khi người dân đổ xô đến các khu vực bán xăng dầu để tích trữ vì lo sợ khủng hoảng năng lượng.
Thủ tướng Anh sẽ có cuộc gặp chính thức với các bộ trưởng trong ngày 27/9 để xem xét tình hình và theo bộ luật khẩn cấp, nhà lãnh đạo này có thể sẽ điều động quân đội lái xe chở xăng dầu đi khắp đất nước để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Truyền thông Anh cho biết giá xăng tuần trước đã có lúc tăng đến 180% so với mức bình thường do thiếu xe chở nhiên liệu, dẫn đến sự lo sợ trong người dân và khiến mọi người đổ xô xếp hàng dài trước các trạm xăng dầu.
Chủ tịch Brian Madderson của Hiệp hội bán lẻ xăng dầu Anh (PRA) cho biết 85% số trạm xăng dầu của nước này đã cạn nhiên liệu và chỉ còn một số trạm là có hàng.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi chính phủ phải tạm thời dỡ bỏ bộ luật cạnh tranh, qua đó cho phép các công ty xăng dầu chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo hệ thống cung ứng nhiên liệu được thông suốt trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
Ông Madderson cho biết việc truyền thông lan rộng thông tin về khả năng thiếu nguồn cung đã khiến người dân khủng hoảng, qua đó thúc đẩy nhu cầu mua xăng tăng đến 500% so với thông thường ở một số khu vực khiến các trạm xăng không kịp nhập hàng. Cảnh tượng xếp hàng mua xăng lại càng khiến người dân hỗn loạn và áp lực hơn nữa, đẩy tình hình vào thế nghiêm trọng hơn.
Cái giá của Brexit
Bộ trưởng giao thông vận tải Grant Shapps của Anh cho biết trên thực tế nước này còn rất nhiều xăng dầu nhưng vấn đề là họ không có đủ tài xế lái xe chở hàng. Bộ trưởng Shapps trả lời báo chí rằng họ còn xăng ở 6 khu nhà máy lọc dầu và 47 kho chứa nhiên liệu trên cả nước nhưng truyền thông đang làm quá mọi thứ lên khiến người dân bị áp lực, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.
Theo hãng tin Reuters, Brexit đã khiến nhiều tài xế lái xe chở hàng không làm được visa tại Anh, qua đó gây đứt gãy chuỗi cung ứng từ Châu Âu sang. Thậm chí trong những tháng gần đây, hàng loạt chuỗi siêu thị đến cửa hàng kinh doanh tại Anh đã gặp vấn đề về nguồn cung.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng khiến hệ thống ung ứng của Anh gặp vấn đề khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp vận tải tạm đóng cửa để rồi không kịp quay trở lại vận hàng do thiếu nhân công sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, điều kiện làm việc kém đã khiến những lao động nước ngoài bỏ việc tại Anh, khiến nước này thiếu nhân công trầm trọng. Chính phủ Anh đã phải khẩn cấp thông qua 5.000 visa cho lái xe nước ngoài để tạm thời giải quyết khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ khi chính phủ Anh sẽ cấp khoảng 10.500 visa lái xe chở hàng nữa để đáp ứng được nhu cầu vận tải của người dân từ nay đến Giáng sinh. Khoảng 4.000 lái xe hiện đang được đào tạo cấp tốc để điều khiển xe chở hàng và gần 1 triệu lá thư khuyến nghị trở lại làm việc đã được gửi đến khắp các tài xế trên cả nước.
Anh đang khủng hoảng chuỗi cung ứng sau Brexit và dịch Covid-19. Nguồn ảnh: The Guardian
Trên thực tế Anh đang thiếu lao động trầm trọng sau Brexit lẫn dịch Covid-19. Số liệu từ Tổng cục thống kế Anh (ONS) cho thấy khó khăn từ làm visa đến tâm thái chưa muốn trở lại làm việc ngay khiến nền kinh tế này thiếu đến 1 triệu lao động trong khoảng tháng 6-8/2021, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tính riêng trong mảng vận tải, hàng chục nghìn tài xế chở hàng đã bỏ việc tại Anh kể từ sau Brexit và đại dịch Covid-19.
Mất 6 tháng
Hiệp hội lái xe đường dài tại Anh (RHA) nhận định nền kinh tế này sẽ cần thêm khoảng 100.000 tài xế nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Tổ chức RHA cho rằng Brexit và dịch Covid-19 chỉ là giọt nước làm tràn ly khi Anh đã có một môi trường làm việc tồi tệ cho giới lái xe trong nhiều năm khiến họ bất mãn.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Yael Selfin của KPMG tại Anh, tình hình thiếu lao động ở quốc gia này sẽ phải mất ít nhất 6 tháng nữa mới có thể giải quyết triệt để.
Xe xếp hàng dài tại các trạm xăng Anh. Nguồn ảnh: CNBC
Trong khi đó, việc chính phủ Anh thiếu quy hoạch cũng như dự án chuẩn bị cho Brexit và mở cửa kinh tế trở lại sau dịch Covid-19 cũng khiến nhiều chính trị gia phẫn nộ.
"Đây rõ ràng là do sự thiếu chuẩn bị. Chúng ta đã rời Liên minh Châu Âu (EU) và một trong những hệ lụy là đất nước sẽ thiếu tài xế xe tải. Điều đó hoàn toàn có thể dự đoán được và chúng cũng đã được cảnh báo trước", lãnh đạo Keir Starmer của Đảng lao động đối lập giận dữ.
*Nguồn: CNBC, Financial Times, Reuters, CNN
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị