Hoá chất được bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Agriseco dự đoán là nhóm cổ phiếu có khả năng tăng mạnh nhất sau khi dịch chạm đỉnh nhờ hưởng lợi từ hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá hàng hoá lên cao. Thế nhưng, thực tế những phiên giao dịch gần đây đang cho thấy điều ngược lại, thể hiện rõ nhất qua trường hợp cổ phiếu của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC) và Công ty cổ phần Hoá chất cơ bản miền Nam (CSV).
Sau chuỗi tăng miệt mài 9 phiên liên tiếp đưa thị giá lên vị trí thứ ba trên sàn chứng khoán TP HCM với 167.600 đồng, DGC đột ngột rớt mạnh trong hai phiên cuối tuần trước. Cổ phiếu này mất 12%, trong đó có một phiên giảm sàn, đóng cửa tại 148.000 đồng.
Tương tự, CVS giảm sàn hai phiên cuối tuần và cắt đứt mạch tăng trần 4 phiên liên tiếp trước đó. Cổ phiếu rơi vào tình trạng trắng bên mua và đóng cửa tại 60.300 đồng.
Trong phiên giảm ngày 23/9, khối lượng giao dịch của CSV lập đỉnh một năm với 2,66 triệu cổ phiếu được sang tay. Cổ đông lớn America LLC có trụ sở tại Bahamas đã bán tại vùng đỉnh hơn 763.000 cổ phiếu để "cơ cấu đầu tư". Cổ phiếu xoay chiều chóng vánh khi phiên sáng vẫn tăng trần lên 74.000 đồng thì đến chiều mất hết biên độ, đồng nghĩa nhà đầu tư vừa khớp lệnh đã lỗ 14%.
Dù "phanh gấp" nhưng nhờ chuỗi tăng trước đó mà những nhà đầu tư kiên trì nắm giữ hai cổ phiếu này đều hái quả ngọt bởi tỷ suất sinh lời vượt xa VN-Index. Cụ thể, DGC tăng khoảng 190% so với đầu năm và 25% so với đầu tháng, còn CSV lần lượt tăng 107% và 28%.
Đà tăng của hai cổ phiếu ngành hoá chất phá vỡ hầu hết dự báo giá mục tiêu một năm của các nhóm phân tích chỉ trong vài tháng, thậm chí nhanh hơn.
Điển hình như trong báo cáo về DGC vào cuối tháng 10/2020, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng, cổ phiếu này tăng từ 41.900 đồng lên 45.000 đồng, tức tiềm năng biến động giá 7%. VCBS nâng giá mục tiêu lên 82.440 đồng vào cuối tháng 3 năm nay, sau đó tiếp tục điều chỉnh kỳ vọng lên 123.000 đồng vào giữa tháng 8. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cùng giai đoạn đó dự đoán DGC có thể chạm 104.310 đồng, đến khi vượt giá mục tiêu hơn 20% nhưng nhóm phân tích vẫn khẳng định cổ phiếu này tăng mạnh nhưng chưa nóng.
Đối với trường hợp CSV, nhóm phân tích công ty Chứng khoán FPT trong lần đầu định giá cổ phiếu này bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền đưa ra giá mục tiêu cho một năm tới là 31.200 đồng, cao hơn chưa đến 1% so với thị giá đóng cửa phiên đầu tháng 4 năm nay. Trước đó không lâu, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo giá mục tiêu một năm là 39.000 đồng nhưng khoảng 5 tháng sau đã nâng lên 48.500 đồng. So với mức này, thị giá CSV hiện tại vượt 24%.
Phó trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán quy mô vừa nhận định hai cổ phiếu này có xuất phát điểm tăng giá giống nhau khi cùng đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư về nhu cầu nguyên liệu hoá chất phục hồi, giá bán tích cực và khả năng vượt xa kế hoạch kinh doanh. DGC là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công Cloramine B (nguyên liệu dùng để phun khử khuẩn trong chống dịch), còn CSV là doanh nghiệp thứ hai. Đặt trong bối cảnh đợt dịch hiện tại nghiêm trọng hơn 3 đợt trước thì thông tin này càng củng cố xu hướng đi lên của giá cổ phiếu.
"Tuy nhiên, biến động giá như vừa rồi là quá nhanh và mạnh. Có thể nguyên nhân cốt yếu không còn đến từ hoạt động kinh doanh, thay vào đó là từ dòng tiền đầu cơ", người này chia sẻ.
Ông giải thích thêm, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tìm những cổ phiếu lên nhanh để giải ngân tiền mặt. Khi có tín hiệu đảo chiều sau chuỗi tăng nóng, họ sẽ "xả hàng" ồ ạt để bảo vệ thành quả bấp chất triển vọng trung và dài hạn thế nào. Điều này được minh chứng rõ nhất ở trường hợp của CSV khi nhu cầu mua vào, bán ra xoay chiều trong tích tắc dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và triển vọng ngành vẫn khả qua ít nhất đến cuối năm nay.
Phương Đông