Kiểm soát dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu với rất nhiều giải pháp đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế trong năm nay và thậm chí cả năm sau. Đây là những nhận định được các chuyên gia nêu ra tại Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức sáng 27/9. Toạ đàm do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.
Tai tọa đàm, chuyên gia từ Học viện Tài chính cho rằng, ngân sách năm nay được Quốc hội dự toán thận trọng, thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, khi dịch bệnh thay đổi phức tạp, dự toán này cũng cần được xem xét điều chỉnh.
Về thu ngân sách, có thể năm nay không quá đáng lo nhưng năm sau sẽ có nhiều thách thức. Bởi doanh nghiệp thường thực hiện các nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách chậm một năm. Trong khi năm nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, đóng cửa, thậm chí có cả phá sản thì chắc chắn nguồn đóng góp vào ngân sách của năm sau sẽ khó đạt được.
Về thu ngân sách, có thể năm nay không quá đáng lo nhưng năm sau sẽ có nhiều thách thức. Ảnh minh họa - Dân trí.
Còn về hoạt động chi, chuyên gia cũng đặt vấn đề, các khoản chi cho đào tạo lao động ở những ngành đã ngừng việc lâu như khách sạn, lưu trú, du lịch, chi cho người lao động đã về quê trở lại làm việc hay chi tiêu cho y tế sẽ phải cân đối như thế nào khi các bệnh viện đang được giao tự chủ tài chính họ phải dự toán có lợi cho họ, trước khi dành cho phòng chống dịch.
Chuyên gia của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, năm nay, Việt Nam hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ khoảng 54.000 tỷ đồng, còn các gói tài khoá vào khoảng 60.000 tỷ đồng.
Xu hướng đang nghiêng về sử dụng chính sách tiền tệ nhưng chuyên gia nhấn mạnh, hỗ trợ tài khoá mới là then chốt, cần đóng vai trò dẫn dắt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Worldbank đã đưa ra 5 nguyên nhân khiến Việt Nam từ vị trí ngôi sao ở năm 2020 xuống dưới mức trung bình của thế giới vào năm 2021 và có thể kéo dài nữa.
Trong đó, các nguyên nhân về tỷ lệ tiêm vaccine và chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp là vấn đề cần phải xem xét, đánh giá kĩ lưỡng.
VTV.vn - Năm 2019, dự toán thu ngân sách Nhà nước tăng hơn 10% so với dự toán. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!