Ngày 27-9, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết địa phương đã xác định một số giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.
Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường… Mặt khác, chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn hoặc làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: KHƯƠNG PHẠM
Hậu Giang cũng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất theo chuỗi và nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tỉnh hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, phát triển dịch vụ và hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, trong thời gian tới tỉnh xác định nông nghiệp sẽ chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, xem chất lượng, giá trị là mục tiêu phát triển, phát triển nông nghiệp phải có định hướng, có quy hoạch để tối ưu hóa giá trị.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho hay địa phương sẽ tập trung quy hoạch diện tích cây trồng, vật nuôi phù hợp thị trường, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng trong phát triển nông nghiệp, Hậu Giang cần có tư duy tích hợp các sản phẩm để sản xuất, xây dựng các cụm liên kết công nông nghiệp. Ảnh: KHƯƠNG PHẠM
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Hậu Giang nên xây dựng cụm liên kết ngành trong nông nghiệp, thay vì xây dựng khu cụm công nghiệp độc lập như hiện nay.
Theo Bộ trưởng, trong phát triển nông nghiệp, Hậu Giang cần có tư duy tích hợp các sản phẩm để sản xuất, xây dựng các cụm liên kết công nông nghiệp. Từ đó, gắn kết chặt giữa nông nghiệp và công nghiệp; nông nghiệp và dịch vụ bằng các mô hình cụm liên kết.
“Phát triển nông nghiệp không chỉ đơn thuần là phát triển kỹ thuật, mà phải tích hợp nhiều giá trị vào, như: văn hóa, du lịch, cộng đồng... Tỉnh phải phát huy sự thống nhất giữa các cấp và có chính sách nhất quán, đồng bộ từ trên xuống để cùng doanh nghiệp, nông dân gắn kết thành một khối, từ đó, phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý.
Hậu Giang còn tồn đọng 9.000 tấn nông sản Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương gắn kết với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT hỗ trợ người dân, hợp tác xã nông nghiệp tiêu thụ nông sản và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hoạch, vận chuyển nông sản. Thống kê từ ngày 19-7 đến ngày 25-9, tỉnh đã kết nối tiêu thụ được 113 tấn gạo, 1.300 tấn rau, củ, trái cây các loại, 306.000 trứng vịt tươi, hơn 50 tấn cá chế biến và tươi sống, hơn 34.000 gói nông sản. Tính đến ngày 25-9, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn tồn đọng trên 9.000 tấn nông sản các loại, nhiều nhất là thủy sản, với hơn 8.000 tấn. |