Sáng 27-9, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về kinh tế- xã hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Giá vé thấp liên quan đến an toàn hàng không ?
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), khẳng định năm 2020, 2021 ngành hàng không gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Thậm chí đến tháng 7 và tháng 8 – 2021 dường như không có chuyến bay thương mại nào.
Hiện nay, các hãng hàng không của Việt Nam có 250 máy bay đang đậu ở các sân bay. Chính vì thế, bất kỳ khi nào thị trường có khả năng bay, thì các hãng hàng không đều cho máy bay bay và đưa ra giá vé chủ yếu để đỡ hỏng máy bay, giá vé còn thấp hơn giá vé xăng dầu của một chuyến bay.
Tuy nhiên vẫy phải bay, vì nếu không bay thì không có chỗ đậu, không bay thì gọi là máy bay hỏng, và có ít dòng tiền để trợ giúp hãng hàng không.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: ĐỨC MINH
Với giá vé thấp như thế, ông Đặng Ngọc Hòa đánh giá: thứ nhất liên quan đến an toàn hàng không. Hiện nay, an toàn hàng không là tiêu chuẩn cực kỳ cao. Nếu các hãng hạ giá vé máy bay chỉ thấp hơn cả giá vé xăng dầu của một chuyến bay thì ảnh hưởng đến chi phí về an toàn hàng không là rất lớn. Nếu có sự cố an toàn xảy ra không chỉ từng hãng ảnh hưởng mà toàn bộ quốc gia.
“Chúng ta đã thấy rồi, như Indonesia, khi họ có một số hãng hàng không hạ giá vé máy bay thấp thì họ bị châu Âu và Mỹ cấm vận bay luôn và rất nhiều tai nạn. Cũng chính Indonesia đã đưa ra một cái giá vé máy bay không để thấp quá nhằm đảm bảo an toàn…”- ông Hòa dẫn chứng.
Thứ hai, theo ông Hòa giá vé máy bay thấp thì tất cả các hãng hàng không đều yếu. Vietnam Airlines rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không đủ để cạnh tranh với nhau, chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế.
“Tất nhiên, vé máy bay này có ảnh hướng đến bà con đi lại nhưng nhiều nước đã áp dung giá sàn này rồi. Như Trung Quốc cách đây mấy năm họ cũng đã khống chế giá sàn, Ấn độ cũng vậy, Indonesia vừa nêu rồi…”- ông Hòa nói.
Hai hãng phản đối áp giá sàn vé máy bay
Liên quan đến việc giá vé máy bay, Cục Hàng không vừa cho biết, cơ quan này đã lấy ý kiến các hãng hàng không về dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ 1-11-2021 đến 31-10-2022.
Theo đó, hãng bay Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways nhất trí khi cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu (tức giá sàn) đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng.
Vietnam Airlines kiến nghị phương án quy định mức giá sàn vé máy bay nội địa trong thời gian 36 tháng, mức giá sàn bằng 44% mức giá trần như Trung Quốc áp dụng giai đoạn từ 2004-2013.
Bamboo Airways nhất trí áp dụng mức giá sàn cho các đường bay nội địa và đề xuất tăng mức sàn cho nhóm đường bay I và II, giảm nhẹ mức giá tối thiểu ở nhóm III, IV, V, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác marketing của hãng.
Đề xuất áp giá sàn tối thiểu là 320.000 đồng/vé.
Pacific Airlines đề xuất giá sàn cần tương đương với chi phí bình quân trên mỗi hành khách, đề nghị thời gian áp dụng tối thiểu trong ba năm theo dự báo hồi phục của thị trường quốc tế thay vì một năm theo kế hoạch của Cục Hàng không. Trường hợp thị trường nội địa hồi phục sớm hơn có thể điều chỉnh lại thời gian áp dụng.
Ngược lại, hãng Vietjet Air kiến nghị không quy định giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa. Lý do là không phù hợp các cam kết thương mại quốc tế, không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không và sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch COVID-19.
Đồng quan điểm, Vietravel Airlines cho rằng áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi. Đặc biệt là với hãng hàng không mới, đội máy bay và tần suất khai thác thấp nhất thị trường, bất lợi về độ phủ sản phẩm và giá trị thương hiệu…
Cuối tháng 8, Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT áp giá sàn vé máy bay tối thiểu 320.000 đồng/vé. Thời gian thực hiện chính sách là 12 tháng (từ 1-11-2021 hết ngày 31-12-2022). Nếu được thông qua, hành khách không còn được sở hữu giá vé 0 đồng như hiện nay.
Theo quan điểm của Cục Hàng không, chính sách này áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Việc áp giá sàn này được hãng Vietnam Airlines nhiều lần đề xuất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc áp giá sàn là triệt tiêu tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, gây phương hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và quay lại thời kỳ bảo hộ.