Ngày 27-9, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) xác nhận thông tin Tập đoàn Boeing (Mỹ) đã chào hàng 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỉ USD. Lãnh đạo IPPG đã đồng ý và xác nhận với đối tác việc sẽ mua 10 chiếc máy bay này trong thời gian tới.
Máy bay B777 Freighter
"Tuy nhiên, đây là kế hoạch chuẩn bị cho thời gian trong vài năm tới. Do tình hình dịch bệnh, theo khuyến cáo của Bộ Giao thông vận tải, chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay mà chỉ xem xét, quyết định về khả năng thành lập hãng hàng không mới vào thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến từ năm 2022. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và tình hình sản xuất - kinh doanh trở lại ổn định, Công ty cổ phần IPP Air Cargo mong muốn tiếp tục xúc tiến việc lập hãng hàng không chở hàng, mua máy bay"- vị đại diện này cho biết.
Một người công tác lâu năm trong ngành hàng không cho biết nếu thương vụ này được thực hiện thành công, với đội máy bay "khủng" này, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, IPPG đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo về các dự án trọng điểm của doanh nghiệp này.
Tại văn bản này, ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐTV IPPG, người được biết đến với cái tên "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, cho biết thời gian qua, tập đoàn IPP cùng với các đối tác đầu tư Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu... tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố và Bộ ngành liên quan để nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam.
Các dự án tập trung vào 5 lĩnh vực đầu tư: Trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP HCM và TP Đà Nẵng; các khu phi thuế quan; các thành phố sân bay; các khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng; thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics.
Ông Nguyễn Hạnh cũng cho biết, IPP Air Cargo có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỉ USD với Tập đoàn Boeing, Mỹ.
Theo IPPG, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và tác động của thương mại điện tử trong bối cảnh hiện tại, dẫn đến việc định hướng đầu tư vận chuyển hàng hóa và hậu cần chuyên nghiệp là rất cần thiết trong giai đoạn này. Hiện nay trung bình 88% thị trường vận chuyển hàng hóa của Việt Nam do các hãng vận chuyển nước ngoài chiếm lĩnh.
Với hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại gắn với hàng không, IPPG đang đầu tư hệ thống kho bãi, logistics vận chuyển hàng hóa tập trung và áp dụng các công nghệ quản lý, khai thác tiên tiến tại các tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam để khép kín các dịch vụ vận chuyển trong nội địa Việt Nam và vận chuyển quốc tế. Do đó, vừa qua IPPG đã gửi hồ sơ tới Bộ Giao thông vận tải và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo (độc lập so với các hãng hàng không vận chuyển hành khách).
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin trước đó, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo (doanh nghiệp thành viên của IPPG) làm chủ đầu tư.
Công ty cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10-3-2021 do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD; trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
Ngoài ra, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định IPP Air Cargo không cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không.