Chiều 27-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều tán thành việc TP.HCM chủ động đề xuất dự thảo chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội từ 1-10.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn khiến cho dịch có thể diễn biến phức tạp như việc người dân từ TP trở về nhà dễ lây lan dịch bệnh tại các địa phương; việc ùn tắc tại các chốt cửa ngõ ra vào TP; người dân ở các tỉnh, thành trở lại TP trong khi tỉ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long còn hạn chế...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng không nên coi TP.HCM như một tỉnh, thành phố bình thường. Vì vậy, cần đánh giá nguy cơ ở cấp độ quận huyện và đến tận cấp độ phường/xã, tổ dân phố để áp dụng các biện pháp nới lỏng, mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tương ứng chứ không áp dụng chung trên toàn TP.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá với tình hình dịch bệnh hiện nay, TP.HCM phải mạnh dạn và tính toán kỹ phương án từng bước mở lại hoạt động.
Việc mở cửa dựa trên cơ sở đánh giá đúng về hiệu quả bao phủ vaccine (95% mũi 1, gần 40% mũi 2) đối với việc giảm mạnh số ca chuyển nặng, ca tử vong; năng lực hệ thống điều trị; xét nghiệm…
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị TP.HCM khẩn trương tính toán các tác động liên vùng, đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khi mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống.
Đồng thời có đợt tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh ở lại làm việc khi các doanh nghiệp trên địa bàn TP phục hồi sản xuất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu chỉ thị mới này phải quán triệt phương châm tăng cường kiểm soát dịch bệnh, điều chỉnh tích cực, từng bước khôi phục vững chắc hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
TP.HCM cần sớm đánh giá lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sau đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua, từ đó xác định năng lực xét nghiệm, mức độ lây nhiễm ở các vùng nguy cơ.
Theo ông Đam, dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế dành cho phần lớn các tỉnh, thành phố có quy mô trung bình trên 1 triệu dân. Vì vậy, những đề xuất mang tính chất đặc thù của TP.HCM cần phải tính toán, phân tích đầy đủ tình hình của đô thị hơn 10 triệu dân, tỉ lệ bao phủ vaccine, năng lực xét nghiệm, điều trị, ý thức của người dân trong thực hiện giãn cách, các biện pháp 5K...
Bên cạnh đó, do dịch đã ngấm rất sâu và nặng nên dù TP mở lại các hoạt động thì vẫn phải thiết lập vành đai an toàn xung quanh khu vực này, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.
Trong lộ trình mở lại, TP cần tính toán ưu tiên phục hồi hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp lớn, khu công nghệ cao, một số ngành dịch vụ quan trọng…
Các doanh nghiệp, kể cả hộ kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm và cần được trao quyền chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh khi hoạt động, trong đó có công tác tổ chức xét nghiệm.
Những vùng xanh, phường xanh có thể xem xét mở lại các hoạt động kinh doanh, sản xuất nếu cả người mua, người bán, người giao dịch đều ở trên cùng địa bàn, đã tiêm vaccine.
Người làm việc trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh cần được xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.
TP cần tuân theo các hướng dẫn, mục tiêu, giải pháp lớn, đồng thời phát huy sáng tạo trong từng tình huống, điều kiện cụ thể, tinh thần chủ động của doanh nghiệp, người dân, để từng bước mở lại các hoạt động một cách chắc chắn, an toàn, kiểm soát dịch bệnh bền vững.