Khởi nghiệp từ gỗ
Đức Long Gia Lai tiền thân là xí nghiệp tư doanh Đức Long, được thành lập từ năm 1995 với số vốn ban đầu chỉ 3,6 tỷ đồng, sở hữu 9.700m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công và bán tự động. Sản phẩm chính của công ty tại thời điểm đó là đồ gỗ nội thất, ván lót sàn và sản phẩm sân vườn.
Năm 2007, doanh nghiệp của ông Bùi Pháp chuyển thành công ty cổ phần với số vốn điều lệ 270 tỷ đồng và đến thời điểm hiện tại, Đức Long Gia Lai đã tăng vốn gấp 10 lần, lên gần 3.000 tỷ đồng.
Ngay từ giai đoạn này, Đức Long Gia Lai đã có định hướng đa ngành, khi vừa chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, vừa kinh doanh dịch vụ bến xe và bãi đỗ, đồng thời còn khai thác chế biến đá granite tự nhiên.
Không những vậy, Đức Long Gia Lai còn mở rộng phát triển vào các lĩnh vực lúc bấy giờ đang là thế mạnh của Tây Nguyên như đầu tư thủy điện, trồng và chế biến cao su, khai thác chế biến quặng mỏ sắt.
Một số sản phẩm gỗ của Đức Long Gia Lai
Tuy nhiên, gỗ vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất cho Đức Long Gia Lai. Giai đoạn 2008-2010, kinh doanh gỗ chiếm 35-50% trong cơ cấu doanh thu của công ty. Năm 2008 là 87 tỷ đồng, sang năm 2009 tăng gấp đôi lên 194 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, qua thời gian Đức Long Gia Lai đã phải dần chia tay mảng chế biến gỗ. Nguyên nhân là do nguồn nguyên vật liệu đầu vào gặp nhiều khó khăn, đồng thời các thị trường khó tính nước ngoài cũng thắt chặt kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu. Vì vậy, đến năm 2015, Đức Long Gia Lai chính thức chia tay mảng kinh doanh gỗ.
Bước ngoặt với linh kiện điện tử
Nhìn vào kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai, có thể thấy năm 2015 là năm công ty bắt đầu tăng trưởng đột phá khi doanh thu tăng hơn 60%, lập kỷ lục hơn 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận lập đỉnh hơn 80 tỷ đồng.
Các năm sau đó, doanh thu Đức Long Gia Lai tiếp tục tăng cao và đỉnh cao là giai đoạn 2017-2019 đều đặn thu về gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nguyên nhân là nhờ sự chuyển hướng sang mảng linh kiện điện tử. Theo đó, tháng 7/2015, Đức Long Gia Lai chính thức trở thành chủ sở hữu mới của công ty Mass Noble Investment Limited (Mỹ), đồng nghĩa với việc chính thức nắm quyền quản lý, điều hành và kinh doanh nhà máy ANSEN có trụ sở đặt tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Với giá trị tài sản, nguồn lao động hơn 3.000 nhân viên lúc bấy giờ, cùng tài chính sẵn có và thị trường tiêu thụ ổn định, có thể nói khoản đầu tư của Đức Long Gia Lai đã thu về hiệu quả cao. Theo số liệu từ Đức Long Gia Lai, Mass Noble mỗi năm đem về tới 1.900 tỷ đồng doanh thu, tương đương 2/3 tổng doanh thu của Đức Long Gia Lai.
Cùng với nhà máy ANSEN, Đức Long Gia Lai còn có một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử đặt tại thành phố Seoul, Hàn Quốc và một nhà máy điện tử tại Khu công nghệ cao - Quận 9, TPHCM. Công ty cũng đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư thêm 2 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương.
Các mặt hàng điện tử dân dụng đang sản xuất với số lượng lớn hiện nay của Đức Long Gia Lai gồm máy xén tóc và cạo râu, chuông cửa, đèn LED, thiết bị định vị PGS, đèn cảnh báo thoát hiểm. Ngoài ra, Đức Long Gia Lai còn có kế hoạch sản xuất tivi năm 2021.
6 tháng đầu năm 2021, linh kiện điện tử đem về 542 tỷ đồng doanh thu cho Đức Long Gia Lai, tỷ trọng lên tới 82%.
Trong khi linh kiện điện tử trở thành nguồn thu chủ lực, Đức Long Gia Lai vẫn duy trì đa ngành. Với năng lượng, công ty đầu tư thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Đức Long Gia lai nắm trong tay 4 trạm thu phí BOT trên gần 150km đường quốc lộ 14 với thời gian thu phí trên 20 năm. Với bất động sản, công ty có các dự án bất động sản, khách sạn, các dịch vụ phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng trải dài trên nhiều tỉnh thành, đồng thời trong tương lai sẽ phát triển sân golf, khách sạn, khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, khu đô thị...
Khủng hoảng trong năm "siêu bão" 2020, kéo dài sang 2021
Sau 3 năm liên tiếp đạt doanh thu gần 3.000 tỷ, Covid-19 ập đến vào năm 2020 đã khiến Đức Long Gia Lai chịu ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu ngay lập tức sụt giảm 30%, đồng thời các loại chi phí tăng cao đột ngột. Điều đó khiến Đức Long Gia Lai chịu lỗ tới hơn 900 tỷ đồng và chỗ có lợi nhuận đột ngột chuyển sang lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng.
Covid-19 đã khiến công ty Mass Noble của Đức long Gia Lai bị ảnh hưởng nặng nề, do nhà máy đặt tại các nước mà Covid-19 bùng phát trong năm 2020.
Trong khi đó, tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hạn hán, thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp, kéo dài nhiều tháng trong năm, nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, dẫn đến nhiều hồ chứa thủy điện nguồn nước cạn kiệt, công suất phát điện rất thấp, đồng thời các trang trại nông nghiệp chè, cà phê thời gian thu hoạch kéo dài nên năng suất và sản lượng thu được rất thấp cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh 2020.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay, ông Bùi Pháp từng ví năm 2020 như một "siêu bão": "Năm 2020 có thể nói “một trăm năm có một” với đại dịch Covid – 19 và hơn 20 năm mới tái xuất hiện thiên tai hạn hán cực đoan, bão lũ kép, sạt lở đất liên tục ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống của người dân, cùng với sức ép cạnh tranh kinh tế từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,… đã tạo sự cộng hưởng như một “siêu bão” khiến nhiều doanh nghiệp chao đảo, thua lỗ, thu hẹp sản xuất. Tập đoàn Đức Long Gia Lai không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Thiên tai, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng trực tiếp, giảm sút doanh thu, lợi nhuận ở nhiều mảng kinh doanh".
Sang năm 2021, mặc dù Đức Long Gia Lai đã có lợi nhuận trở lại trong những tháng đầu năm, nhưng tình hình tài chính của công ty vẫn hết sức khó khăn. Trên báo cáo tài chính 6 tháng, phía công ty kiểm toán đã nhấn mạnh 2 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, Đức Long Gia Lai đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền là 2.410 tỷ đồng. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Giải trình vấn đề này, phía Đức Long Gia Lai cho biết, giá trị khoản vay này nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của công ty và cũng đã được Hội đồng quản trị thông qua chủ trương thực hiện.
Thứ hai, tại ngày 30/6/2021, khoản lỗ thuần của Đức Long Gia Lai là 842 tỷ đồng và cũng tại ngày này, các khoản nợ ngắn hạn của Tập đoàn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn 239 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đức Long Gia Lai có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là 1.808 tỷ đồng. Các điều kiện này khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai.
Theo giải trình của Đức Long Gia Lai, hiện tại công ty đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính của doanh nghiệp, đang lập kế hoạch và lộ trình thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, quản lý, kiểm soát và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách chặt chẽ, tiết kiệm chi phí để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch, tập trung thu hồi các khoản công nợ để thực hiện thanh toán một phần các khoản nợ quá hạn.
Mặt khác, công ty cũng đang phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để cơ cấu lại các khoản nợ gốc, miễn giảm lãi. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành pháp lý của các dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn để tất toán các khoản nợ quá hạn trong thời gian sắp đến, chậm nhất đến ngày 31/12/2023.
Đức Long Gia Lai khẳng định, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận hàng năm theo kế hoạch. Công ty cũng cho biết đã nhận được sự cam kết chính thức từ các thành viên góp vốn về việc cung cấp cho tập đoàn các hỗ trợ tài chính cần thiết để có thể thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ đến hạn trong thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.
"Rũ bỏ" cái tên Gia Lai, định hướng toàn cầu
Mặc dù tình hình tài chính khó khăn nhưng Đức Long Gia Lai vẫn rất lạc quan vào các năm tới, thể hiện qua việc đặt mục tiêu lợi nhuận 50-60-75 tỷ đồng cho lần lượt các năm 2021-2022-2023. Doanh thu cũng sẽ dần tăng trở lại 2.000-2.500-3.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại Đại hội cổ đông được tổ chức giữa tháng 6/2021 vừa qua, một trong những nội dung được ban lãnh đạo công ty trình cổ đông là việc đổi tên, từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long, lược đi phần "Gia Lai" trong tên gọi.
Lý giải điều này, ông Bùi Pháp cho biết, cái tên Gia Lai đã đi theo công ty ông 26 năm nay. Trải qua gần 3 thập kỷ hình thành, phát triển của Đức Long Gia Lai tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đến nay Đức Long Gia Lai đã đầu tư ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, vươn sang tận một số quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đấu trên thế giới.
“Đức Long Gia Lai hiện nay không còn là một doanh nghiệp bó hẹp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, khu vực Tây Nguyên như thời gian qua nữa mà đã phát triển rộng khắp ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, gần đây thương hiệu Đức Long Gia Lai phát triển mạnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Hồng Kông… Bởi vậy, cái tên Đức Long Gia Lai đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình một cách xuất sắc, và nay đổi thành Tập đoàn Đức Long để phù hợp với tầm nhìn, tính lan tỏa của một tập đoàn kinh tế đa quốc gia, mang tính toàn cầu là hoàn toàn hợp lý”, ông Pháp nói.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị