Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh) 07 ngày, từ 15 đến 21/9/2021 do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Sự việc tương tự hoàn toàn có thể xảy ra đối với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nếu không siết chặt hơn nữa công tác phòng chống dịch ngay từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và vận chuyển nông sản. Tuy nhiên, phản ánh tới Người Đưa Tin, nhiều doanh nghiệp cho biết họ bị “oan” khi gặp phải tình trạng giả nhãn mác, thương hiệu.
Doanh nghiệp "kêu oan"
Có diện tích trồng thanh long lên đến 33.750ha, Bình Thuận là tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ lệnh ngừng nhập khẩu vừa qua của Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị L., Giám đốc một công ty có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến xuất khẩu thanh long, địa chỉ tại Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ngỡ ngàng khi được thông báo doanh nghiệp của chị rơi vào danh sách tạm dừng nhập khẩu do phía Trung Quốc đưa ra.
“Là một doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lâu năm, công ty hoàn toàn ý thức về việc giữ gìn uy tín và hình ảnh. Kể cả khi chưa có dịch, đơn vị vẫn hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất. Khi có dịch bệnh, nguyên tắc sản xuất, giám sát còn được siết chặt hơn, cứ 3 ngày tôi test nhanh cho công nhân một lần, nguyên tắc 5K được quán triệt đến 100% người lao động”, bà Nguyễn Thị L. khẳng định về quy trình đóng gói sản phẩm.
Tuy vậy, sau khi nhận thông báo ngừng thủ tục nhập khẩu từ phía Trung Quốc, đơn vị đã phát hiện ra tình trạng có một số bên làm giả, làm nhái mẫu mã bao bì sản phẩm. Nghiêm trọng hơn, những bao bì trên đều đóng mã số xuất khẩu của doanh nghiệp.
“Trước khi nhập, chúng tôi đều làm đầy đủ thủ tục xét nghiệm Covid-19 cho lô hàng theo yêu cầu của cả bên phía Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng nếu những lô hàng nhái nhãn mác sản phẩm của doanh nghiệp thì đành chịu. Thời điểm bị dừng nhập, 100 tấn thanh long của đơn vị phải nằm chờ tại cửa khẩu số II Kim Thành (Lào Cai), mỗi ngày trôi qua là chất lượng sản phẩm giảm xuống, thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp”, bà L. cho biết thêm.
Ông H., Giám đốc Công ty Thanh long H.H. cho biết, 60 tấn thanh long theo đúng tiêu chuẩn GLOBALG.A.P của công ty đang trên đường lên cửa khẩu thì nhận thông báo về lệnh tạm dừng nhập khẩu của Trung Quốc.
“Đi không được, quay về chẳng xong. Trước đây doanh nghiệp cũng đã phát hiện ra trường hợp, thanh long mang nhãn mác khác nhưng lại in mã xuất khẩu của đơn vị trên thùng hàng. Thực tế, toàn bộ quy trình sản xuất của đơn vị đều khép kín và hoàn toàn tuân thủ đúng hướng dẫn phòng dịch 5K”, ông H. than thở.
Đã khó nay càng khó hơn
Người Đưa Tin đã đem thông tin trên phản ánh với ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận. Ông Hòa cho biết, sau khi có tin từ Bộ Công Thương, đơn vị đã tiến hành rà soát trên diện rộng. Đối với những doanh nghiệp bị làm giả nhãn mác, cần phải phản ánh ngay đến các cơ quan như Sở Khoa học Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập hợp, báo cáo lên UBND tỉnh và các Bộ, ngành đưa ra phương án xử lý, hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp.
Ngoài vấn đề làm giả thương hiệu, những giải pháp để tránh những lệnh cấm nhập khẩu lặp lại cũng là vấn đề mà cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận quan tâm. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, ông Phan Văn Tấn cho biết, để tránh lặp lại những sự việc đáng tiếc, Sở đang tích cực vận động tuyên truyền bà con tuân thủ đúng hướng dẫn phòng chống dịch và quy định an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của tỉnh. Giao phòng Nông nghiệp các huyện theo sát tình hình sản xuất, đảm bảo nhà đóng gói đúng tiêu chuẩn mã số vùng trồng, tiêu chuẩn VietGAP…
Về phương án tháo gỡ vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè (Tiền Giang) chia sẻ với Người Đưa Tin rằng sau khi nắm được thông tin về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, Phòng Nông nghiệp huyện đang tiến hành xin danh sách những doanh nghiệp bị tạm ngừng nhập khẩu để có phương án hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể cho người dân.
Khốn khổ vì…dùng chung
Ngoài tác nhân làm giả nhãn mác nêu trên, còn tồn tại tình trạng sử dụng chung mã xuất khẩu, mã vùng đóng gói khiến nhiều doanh nghiệp “khóc dở mếu dở”.
Ông Hà Văn Sơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã C.H, huyện Yên Châu (Sơn La), đơn vị có tên trong danh sách tạm ngừng nhập khẩu nông sản do phía Trung Quốc đưa ra, trần tình với Người Đưa Tin rằng, doanh nghiệp của ông chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc và có liên kết tiêu thụ với một đối tác khác, sử dụng chung một mã vùng trồng để hoạt động xuất khẩu.
“Lô hàng do đối tác liên kết trên xuất khẩu đã phát hiện virus Sars-CoV-2 bám trên đó. Điều này vô tình khiến doanh nghiệp mang tiếng, ảnh hưởng bất lợi đối với uy tín và hoạt động của đơn vị. Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục bảo vệ thực vật (Sở NN- PTNT) cũng đã cử cán bộ xuống tìm hiểu thực trạng”, vị Chủ nhiệm HTX này cho biết thêm.
Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu thông tin, qua trao đổi với đại diện Hợp tác xã trên thì được biết, một doanh nghiệp khác đã mượn cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu của Hợp tác xã để thực hiện xuất khẩu nông sản, không phải sản phẩm của Hợp tác xã C.H.
Hiện nay, phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hoạt động của các mã GCP xuất khẩu trên địa bàn huyện, đồng thời đưa ra những khuyến nghị và hướng dẫn doanh nghiệp nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định phòng chống dịch để an toàn sản xuất, kinh doanh. Ngừng ngay việc sử dụng chung mã vùng trồng để tránh ảnh hưởng đến uy tín địa phương.
Tình trạng giả nhãn mác bao bì sản phẩm đã không còn là chuyện hiếm nhưng nếu diễn ra trong lĩnh vực xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho những doanh nghiệp chân chính nói riêng và nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung.
Sau sự việc đáng tiếc trên của thanh long Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước cần chặt chẽ hơn nữa trong công tác kiểm soát việc thực hiện, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân. Về phía các doanh nghiệp, phải tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống dịch, cần chấm dứt tình trạng sử dụng chung một mã xuất khẩu, thông báo ngay đến các cơ quan chức năng khi phát hiện ra tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm để có hướng xử lý kịp thời. Cũng có ý kiến cho rằng, công tác phun khử khuẩn cần được thực hiện trực tiếp với tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chứ không chỉ bên ngoài phương tiện.
Thời gian tồn tại ngoài môi trường tự nhiên của virus SARS-CoV-2 là bao lâu?
Thông tin thêm với Người Đưa Tin, Tiến sĩ Viêm Quang Mai, nguyên Viện trưởng Viện Pasteus Nha Trang, virus Sars-CoV-2 có thể tồn tại với nhiệt độ khoảng 4-20oC trong vòng 5 ngày. Tùy theo môi trường, nhiệt độ, độ ẩm mà virus Corona có khả năng sống khác nhau.
"Với khí hậu ở phía Bắc nước ta trong thời gian qua, nền nhiệt độ thường trên 28 độ C khiến cho virus bị hạn chế hoạt động. Nếu môi trường vừa có nắng, vừa ở nhiệt độ cao thì virus corona chỉ có thể tồn tại trong 3 - 5 phút là sẽ bị tiêu diệt, giúp giảm khả năng lây nhiễm đi nhiều lần".