Một số công trình tại TP HCM đã được tái khởi động sau thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt là khu vực phía Đông TP HCM. Những doanh nghiệp (DN) khác ở khu Tây và Nam cũng đang khẩn trương chuẩn bị để khởi động các dự án sau ngày 30-9.
Tái khởi động nhiều dự án
Cuối tuần qua, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã tham dự lễ khởi công dự án Khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole Thủ Thiêm, do Công ty Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư, Công ty SonKim Land làm đơn vị phát triển và Tập đoàn Hòa Bình cùng Công ty Central phụ trách thi công. Đây là một trong những dự án đầu tiên ở TP HCM tái khởi động sau thời gian tạm dừng do giãn cách xã hội. Dự án có quy mô gần 7,6 ha thuộc khu chức năng trung tâm số 1, có chức năng là khu phức hợp căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại… Đây được xem là biểu tượng của Thủ Thiêm với nhiều dự án cao cấp, kiến trúc độc đáo.
Cũng trong tuần qua, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền tái khởi động dự án Khu biệt thự Armena, quy mô 180 căn tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức sau hơn 3 tháng ngưng thi công do ảnh hưởng dịch Covid-19. Dự án này có quy mô 4,35 ha, trong đó có 2,3 ha đất công cộng. Giá bán căn biệt thự của dự án này thấp nhất cũng lên tới 10 tỉ đồng/căn (diện tích 5x15m) còn những căn lớn hơn lên đến vài chục tỉ đồng.
Trước đó cũng đã diễn ra buổi ký kết hợp tác tái khởi động một loạt công trình xây dựng ở TP Thủ Đức như: công trình Khu đô thị Sài Gòn Bình An, công trình Trường Mầm non Phước Long B. Lãnh đạo TP Thủ Đức nhìn nhận việc tái khởi động một loạt dự án là điều hết sức phấn khởi vì góp phần vực dậy kinh tế của TP Thủ Đức nói riêng và TP HCM nói chung.
Với việc một loạt dự án ở phía Đông TP tái khởi công, một số chủ đầu tư ở các khu vực phía Tây, khu Nam và các DN kinh doanh bất động sản cũng cho biết đang sẵn sàng mở cửa hoạt động và triển khai bán hàng trở lại sau thời gian giãn cách kéo dài.
"Chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về nhân công, nhân sự và khả năng thu hút khách hàng nhưng chúng tôi không lo, chúng tôi chỉ lo không được phép làm mà thôi" - lãnh đạo một DN bất động sản thẳng thắn. Trong khi đó, tổng giám đốc công ty xây dựng bày tỏ lo lắng về việc nhiều nhân công đã về quê, không kịp trở lại TP trước ngày 1-10, nên ít nhất tới giữa tháng 10, hoạt động tại các công trình mới bình thường trở lại được.
Một dự án vừa tái khởi công ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức
Đón đầu cơ hội
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty DKRA, đánh giá việc hàng loạt dự án đã, đang và sắp khởi động trở lại là động thái tích cực, có thể giúp thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm sôi động trở lại. Bởi, sau một thời gian dài chống dịch, rất nhiều người mong muốn tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư mới. Với một số người, dịch bệnh cũng làm nảy sinh nhu cầu tìm kiếm những không gian sinh sống mới tốt hơn để bảo đảm về sức khỏe, sinh hoạt. Chưa kể, trong thời gian qua, TP rất khan hiếm các dự án nhà ở mới được chào bán nên đây sẽ là cơ hội cho các nhà phát triển dự án triển khai mở bán sẽ thu hút được rất nhiều khách hàng quan tâm.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản ở TP HCM cũng bày tỏ lạc quan khi cho rằng bất động sản là tài sản mà nhà đầu tư muốn nắm giữ cuối cùng sau khi kiếm được lợi nhuận từ các kênh khác. Nhiều người sau khi kiếm lời từ đầu tư chứng khoán trong thời gian "ở nhà chống dịch" có thể sẽ chuyển hướng sang đặt cọc mua các dự án bất động sản chào bán trong thời gian tới, nhất là những dự án có chính sách thanh toán tốt, sẽ thu hút người mua trả góp trong trung, dài hạn.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng do hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đình trệ, khiến các hoạt động liên quan như kinh doanh thương mại, văn phòng cho thuê… cũng gặp khó, thu nhập người lao động giảm, điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cầu bất động sản trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, sau ngày 30-9, thị trường bất động sản sẽ khó có sự tăng trưởng như kỳ vọng của các nhà đầu tư mặc dù TP đang từng bước mở cửa trở lại.
Ở góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, cho rằng 2 năm qua, DN bất động sản đã gặp nhiều khó khăn nên họ cũng cần Chính phủ hỗ trợ thông qua việc tháo gỡ các cơ chế vướng mắc, chính sách pháp luật để họ triển khai được nhiều dự án sau dịch. Bởi lĩnh vực bất động sản có liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác trong điều kiện bình thường mới.
Lo vật liệu xây dựng tăng giá
Những ngày cuối tháng 9, một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn đã gửi thông báo tới các nhà thầu về việc tăng giá thép. Cụ thể, giá thép xây dựng tăng phổ biến từ 50-150 đồng/kg, lên 16.160-16.360 đồng/kg đối với thép cuộn và từ 16.310-16.460 đồng/kg đối với thép cây. Điều này khiến nhiều nhà thầu, chủ đầu tư lo lắng sau giãn cách, giá vật liệu xây dựng sẽ đồng loạt tăng.
Theo dự báo của các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, khả năng thời gian tới khi các dự án đồng loạt khởi công sẽ khiến cho các loại vật liệu khác như đá, cát, xi măng... cũng tăng theo bởi giá xăng dầu vừa tăng lên mức cao. Bên cạnh đó, sau đại dịch, lực lượng nhân công thiếu hụt dẫn tới khả năng cung ứng hàng hóa sẽ chậm hơn.
Xem thêm: mth.24165559172901202-nas-gnod-tab-gnourt-iht-ohc-cuc-hcit-ueih-nit/et-hnik/nv.moc.dln