Sau nhiều tháng liền vừa đối mặt với thất nghiệp, vừa phải chống chọi với dịch bệnh, những người miền Tây sống bằng nghề phụ hồ, công nhân... đã rủ nhau ra những thửa ruộng ven nội thành TP.HCM để bắt cá, hái rau sống qua ngày.
Thời gian gần đây, vào mỗi buổi sáng, tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM có hai ba nhóm người mang nhiều dụng cụ để ra đồng bắt cá.
Với kinh nghiệm sống nhiều năm bên sông nước, những người dân miền Tây đã tận dụng những mảnh lưới ở công trường làm thành dớn, lưới để đánh bắt cá.
Một ngày làm việc của họ kéo dài từ sáng sớm đến khi đứng bóng mặt trời. Men theo những thửa ruộng mới được xạ lúa, những người đàn ông dùng vài vật dụng tự chế, phối hợp cùng nhau để bắt cá, tôm.
Sau nhiều giờ làm việc họ bắt được cá rô phi, tép trấu,... Những người phụ nữ trên bờ thì nhặt cá, họ tỉ mẫn ngồi lựa cá, bỏ đi rác bẩn. Số cá nhỏ được họ thả về ruộng, chỉ lấy cá lớn từ khoảng 3 ngón tay.
"Chúng tôi đều là dân làm thuê làm mướn đến từ các tỉnh miền Tây. Sau nhiều tháng trời thất nghiệp, có người mới nảy ra ý tưởng ra đồng để mò cua bắt ốc. Cuộc sống như vậy không khác gì ở quê, nhưng lại rất khắc nghiệt. Mấy tháng nay không có tiền đóng nhà trọ, đói ăn lắm cô ơi." - Chị Sony, (33 tuổi, ngụ Kiên Giang) cho biết.
Những đứa trẻ cũng bị kẹt lại vì dịch, bé Danh Ngọc Phát (10 tuổi), con trai chị Sony, hằng ngày vẫn theo cha mẹ ra những cánh đồng để phụ kéo cá, trong khi năm học mới đã đến.
Không may mắn như bé Phát chỉ tạm nghỉ học, em Thạch Quốc Hải (13 tuổi, quê Bạc Liêu) đã nghỉ từ năm lớp 2. Hơn năm nay em theo cha mẹ lên TP.HCM để đỡ đần công việc nhà. Những ngày dịch anh Thạch Hiếu (bên phải) cha của Hải, ai kêu gì làm đó, anh phụ gặt lúa, xạ lúa, bơm nước để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Nhiều người dân chọn cách “tha hương cầu thực” ở nơi đất khách, có người cũng nuôi hy vọng đổi đời. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống vô tình lại đưa họ trở về với công việc quen mùi bùn đất ngay giữa Sài Gòn tráng lệ...
Theo chân một nhóm người miền Tây về khu nhà trọ cách đó hơn cây số, thuộc ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, có khoảng 6 hộ dân với hơn chục nhân khẩu là người từ các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng... đang trọ tại đây.
Sau một buổi ngụp lội trong cái nắng oi bức, người lớn trẻ con từ đồng về nhanh chân đi tắm gội.
Trong lúc đó, cả xóm trọ sẽ cùng nhau lựa và làm sạch cá.
Số cá này sau khi được sơ chế có thể dùng để nấu canh chua, kho mắm, kho tiêu...
Theo chị Nguyễn Thị Thu Tư (trú tại Phước Long, Bạc Liêu) cho biết ở dưới quê vợ chồng chị không có việc gì làm ra tiền nên mới gói ghém đồ đạc cùng đứa con trai đầu lên đây theo công trình phụ hồ được hơn một năm nay. Rồi dịch COVID-19 ập đến, tiền dành dụm rất ít, việc ăn uống thời gian qua cũng khó khăn. May thay, có bà con xung quanh cùng giúp đỡ nhau. "Chúng tôi đến từ nhiều nơi, nhưng có chung hoàn cảnh khó nghèo, nên thường xuyên san sẻ, giúp đỡ nhau. Mùa dịch chúng tôi chia nhau từng con cá, cọng rau, rất tình cảm." - Chị Tư chia sẻ.
"Nhiều tháng nay, chủ nhà trọ giảm tiền và cho nợ lại nên cả xóm cũng đỡ chật vật. Sống cực khổ quen rồi, mình có gì ăn đó thôi, chỉ mong hết dịch để sớm được về nhà." - Bà Thủy (ngụ huyện Phước Long - Bạc Liêu) tâm sự.
Sau khi bắt cá về, anh Thạch Hiếu rửa lại chiếc xe bị dính sình khi đèo qua ruộng lúc sáng, đây cũng là phương tiện di chuyển duy nhất của gia đình anh. Nghỉ trưa được giây lát anh lại tiếp tục đi xạ lúa thuê. Anh kể, vì đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, những lúc đi gặt lúa, đi bắt cá, mọi người đều chỉ đang đánh liều. Đã có trường hợp nhóm người dân ngụ cư như anh bị lập biên bản do tụ tập ngoài đồng. Anh Hiếu nói: "Họ nhắc nhở chớ không nỡ phạt, từ đó những người trong xóm cũng đã hạn chế đi đông với nhau."
Vợ chồng anh Hiếu có 4 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi, tất cả cùng lên TP.HCM sinh sống. Chị Ngọc (vợ anh Hiếu) cho hay, đợt dịch đỉnh điểm vừa rồi, trong nhà hết sạch đồ ăn sớm nhất trong khu trọ. Rất may những người hàng xóm xung quanh tốt bụng hỗ trợ hết mình cho gia đình chị những lúc thiếu thốn.
Trong những đứa con của vợ chồng anh Hiếu, hai đứa lớn đã phải nghỉ học, chỉ có đứa thứ 3 đang học lớp 2. Các em theo cha mẹ mưu sinh, nhưng vẫn thích quanh quẩn với đám lá, bờ ao quen nội đô.
Cả xóm trọ đang chờ gói hỗ trợ đợt 2 và đợt 3 của nhà nước. Có người mong dịch bệnh mau chóng được kiểm soát để tiếp tục đi làm kiếm sống, có người hy vọng sớm được trở về quê hương sinh sống.