Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng người dân nước này có thể bị bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi những lời kêu gọi tiêm chủng tự nguyện không hiệu quả, tờ Rappler đưa tin.
Tối 27-9, trong bài phát biểu “Talk to the People” (Tạm dịch là “Đối thoại với nhân dân”) thường kỳ, ông Duterte cho biết ông đang xem xét ban hành quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 là yêu cầu bắt buộc đối với người dân Philippines.
Ông Duterte cho biết Manila sẽ “buộc” ngay cả những người không muốn tiêm vaccine cũng phải đi chích ngừa, sau khi việc chính quyền “gần như quỳ lạy” để kêu gọi người dân đi tiêm vaccine không hiệu quả.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trình bày bài phát biểu "Talk to the People" hôm 27-9. Ảnh: CHÍNH PHỦ PHILIPPINES
“Theo ‘quyền lực cảnh sát’, mọi người đều buộc phải tiêm vaccine, không phải vì chúng tôi không tin vào đức tin hay tôn giáo của bạn, mà vì bạn (có thể) là người mang mầm bệnh và là mối nguy hiểm với xã hội” - ông Duterte nói.
Ông Duterte nhấn mạnh rằng nếu một ai đó từ chối tiêm chủng và trở thành nguồn lây COVID-19, khiến dịch bệnh lây lan như cháy rừng, thì cảnh sát “phải vào cuộc và can thiệp”.
Trước đó, ông Duterte đã nhắc tới ý định cho phép lực lượng an ninh bắt giữ những người từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Dù không khái niệm rõ ràng, “quyền lực cảnh sát” có thể được hiểu là quyền của chính quyền ban hành các quy định cưỡng chế vì mục đích an ninh, an sinh, y tế… công cộng, theo Viện Thông tin pháp lý, Đại học Luật Cornell (Mỹ).
Một số chuyên gia pháp lý Philippines cho rằng chính quyền Manila nên ban hành một đạo luật về tiêm chủng bắt buộc.
Hiện nay, Philippines đang thi hành một đạo luật tương tự, yêu cầu tất cả trẻ em phải chủng ngừa bệnh lao, bạch hầu, uốn ván và ho gà, bại liệt, sởi, quai bị, rubella, viêm gan B, viêm màng não mũ do HB…
Một dự luật về bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã được đệ trình lên Hạ viên Philippines từ tháng 4. Lúc đó, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Menardo Guevarra đã từ chối bình luận chi tiết về dự luật, song cho biết các vấn đề được đề xuất bao gồm thủ tục tố tụng, “quyền lực cảnh sát”, hình phạt, ngoại lệ…
Theo khuyến nghị hiện tại của giới chức Manila, người dân Philippines có thể tự quyết định họ có tiêm vaccine hay không sau khi tự đánh giá về tầm quan trọng của việc tiêm chủng đối với bản thân mỗi người. Chính quyền lưu nêu rõ rằng vaccine sẽ giúp bảo vệ người đã tiêm chủng.
Tính đến ngày 27-9, Philippines đã triển khai hơn 44,36 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, bao phủ vaccine tới gần 23,78 triệu người (hơn 23,5% dân số), trong đó hơn 20,58 triệu người (khoảng 19% dân số) đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Nước này đã báo cáo 2.509.177 ca nhiễm COVID-19, trong đó 158.169 trường hợp còn đang điều trị, 37.596 bệnh nhân tử vong và số còn lại đã khỏi bệnh.