vĐồng tin tức tài chính 365

Thủ tướng: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công

2021-09-28 16:28

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Thủ tướng: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang - TTXVN)

Dự Hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Dự tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là gần 500.000 tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 còn rất lớn.

Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá kết quả, phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; bài học kinh nghiệm; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; với phương châm "đảm bảo tiến độ, chất lượng, song tăng cường giám sát, kiểm tra để chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công".

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến đến hết tháng 9 này, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt hơn 218.000 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 51,71%; vốn nước ngoài đạt 12,69%.

Đến nay, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan Trung ương và 52/63 địa phương giải ngân đạt dưới 60%. Đặc biệt, 15 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021, với tổng số vốn là gần 22 ngàn tỷ đồng...

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều yếu tố như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toàn một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn...

Bên cạnh đó, năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Đặc biệt, năm 2021, kinh tế - xã hội nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nên ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân vốn đầu tư công...

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa... đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm như: chọn đầu tư công theo hướng ưu tiên những công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, khả thi và có hiệu quả cao ngay; giao kế hoạch chi tiết đầu tư công năm 2021 từ cuối năm 2020, trong đó có mốc tiến độ cụ thể, nếu chậm sẽ điều chỉnh vốn; giao chỉ tiêu cụ thể giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình, dự án; phân công người đứng đầu chịu trách nhiệm chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu ký cam kết thực hiện giải ngân đúng tiến độ, chất lượng; thường xuyên giao ban, kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực trong giải ngân; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, nguồn vật liệu... để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Bên cạnh đó, nhiều ngành, đơn vị, địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Lâm Đồng, Long An, Điện Biên, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... cũng phản ánh khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, ngoài các khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến "đóng băng" thi công các công trình, dự án, có một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hồ sơ, thủ tục pháp lý của các dự án; các hạn chế về mặt chủ quan như năng lực quản lý, thực hiện dự án của chủ đầu tư; sự phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt, đầu tư dàn trải...

Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... giải đáp, giải trình về những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, nhất là về thể chế. Các bộ, ngành cũng cho biết đã và đang dự thảo sửa đổi, bổ sung thể chế để tháo gỡ khó khăn, khơi thông giải ngân vốn đầu tư công. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tổng hợp, báo cáo để Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc trình Quốc hội xem xét, giải quyết...

Các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương chậm, có một phần do yếu tố khách quan về thể chế, giải phóng mặt bằng..., song có những nguyên nhân chủ quan cần được khắc phục, nhất là do khâu tổ chức thực hiện còn yếu; công tác chuẩn bị đầu tư có nơi còn sơ sài, khi thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc. Riêng giải ngân vốn đầu tư ODA chậm, một phần khó khăn, vướng mắc xuất phát từ yêu cầu của nhà cấp vốn...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó có Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021...

Thủ tướng: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Giang - TTXVN)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, thiếu đồng bộ, thông suốt, việc khắc phục những tồn tại, yếu kém chưa kịp thời… nên tình hình giải ngân đầu tư công thời gian qua vẫn chậm; nhiều bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, có đơn vị giải ngân vốn đầu tư công bằng 0%.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, ngoài nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19 gây ra, ảnh hưởng đến giải ngân do thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội…, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó, việc chuẩn bị đầu tư chưa kỹ càng, dàn trải, chưa sát thực tế, thiếu tập trung, không đúng với bản chất của đầu tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp trong tổ chức thực hiện có lúc thiếu tập trung, cụ thể, thiếu giám sát, kiểm tra. Công tác giải phóng mặt bằng có nơi thiếu minh bạch, chưa tuyên truyền, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, ủng hộ, thực hiện. Công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng có nơi còn bất cập, thiếu minh bạch. Việc thẩm định, tư vấn, thanh quyết toán còn chậm chạp. Việc sửa đổi, bổ sung thể chế chưa kịp với thực tiễn…

Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%; bên cạnh đó phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 40%; đề nghị cấp ủy, chính quyền kiểm điểm nghiêm túc về tình hình chậm trong đầu tư công để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt xem xét, xử lý những tập thể, cá nhân trì trệ, thậm chí có sai phạm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, cũng như nhiều nước trên thế giới, trong thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước vẫn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, cần tập trung các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa mở cửa có lộ trình để khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, một trong giải pháp quan trọng là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, với khoảng thời gian chỉ còn 3 tháng, song nhiệm vụ giải ngân còn lại chiếm hơn 50% kế hoạch, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp. Riêng tại địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, chưa thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" thì tranh thủ làm các thủ tục để khi hết giãn cách xã hội có thể bắt tay ngay vào triển khai, giải ngân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; phát huy cao độ tính sáng tạo, linh hoạt của các cấp chính quyền; xem thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, nhất là vai trò người đứng đầu; với tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được đề ra; biến khó khăn thành động lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; với mục tiêu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ đạt cao nhất có thể; vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả; song song với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Về những giải pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức kiểm soát dịch bệnh thật tốt để có điều kiện khởi động lại và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu chuẩn bị kỹ càng các dự án, đúng với tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư là cho phát triển; lấy đầu tư công làm vốn mồi để dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thúc đẩy đầu tư công; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; hoàn chỉnh hồ sơ và giao vốn cho các dự án khởi công mới; căn cứ tình hình thực hiện, chủ động điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác, từ cơ quan này sang cơ quan khác, từ địa phương này sang địa phương khác.

Đặc biệt, tiếp tục rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung các quy định kịp thời, phù hợp với tình hình. Trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành giải quyết và phối hợp giải quyết; những vấn đề thuộc Chính phủ thì tổng hợp trình Chính phủ để giải quyết nhanh nhất có thể; những vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ thì khẩn trương chuẩn bị để trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để các thủ tục được xử lý thông suốt, tiết kiệm thời gian và chi phí; rút ngắn thời gian xử lý, không để tồn đọng hồ sơ thanh quyết toán; đảm bảo an toàn, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng để cùng nhau nắm bắt, học hỏi, thi đua thúc đẩy giải ngân. Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" để các địa phương áp dụng thống nhất, song ở những địa phương đặc thù thì bàn giải pháp áp dụng cụ thể.

Đối với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và yêu cầu tiếp tục đề xuất bằng văn bản để các bộ, ngành tiếp thu xử lý và tham mưu cho Chính phủ giải quyết; trong trường hợp vượt quá thẩm quyền Chính phủ sẽ trình cấp cao hơn xem xét, giải quyết.

Riêng về đề nghị tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm…

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởngĐẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng

VTV.vn - Trong điều kiện khó khăn lúc này, giải ngân đầu tư công là một nguồn lực, động lực rất lớn để góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.47153816182901202-gnoc-ut-uad-gnort-mohn-hci-iol-cuc-ueit-gnohc-gnouc-yk-taul-yk-tahc-teis-gnout-uht/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thủ tướng: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools