Sau 5 phiên tăng liên tiếp, giá dầu Brent trên sàn London gần cuối phiên 28/9 vọt lên 80,75 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 năm, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 do các nhà giao dịch kỳ vọng các nước sản xuất dầu lớn sẽ quyết định giữ nguyên lộ trình về nguồn cung trong cuộc họp vào tuần tới của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Sau sự kiện giá dầu Brent vượt 80 USD, Nhà Trắng ngày 28/9 đã liên lạc với OPEC để bàn về vấn đề này và tìm phương hướng giải quyết để tránh tình trạng giá dầu quá cao ảnh hưởng tới đà hồi phục kinh tế.
Kết thúc phiên 28/9, giá dầu quay đầu giảm nhẹ, với dầu Brent giảm 44 cent, tương đương 0,6% xuống 79,09 USD/thùng, dầu WTI giảm 16 cent, tương đương 0,2% xuống 75,29 USD/thùng khi nhà đầu tư bán chốt lời, kết thúc 5 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định đà tăng của giá dầu ở những phiên trước sẽ chưa dừng lại trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đều nóng lên khi giá điện tại Châu Âu cao kỷ lục và Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu điện do giá than và khí đều tăng mạnh.
"Các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng giá sẽ còn tăng nữa do nguồn cung ở Mỹ bị gián đoạn do các cơn bão lớn liên tiếp gần đây gây ảnh hưởng kéo dài hơn dự kiến, đúng vào thời điểm nhu cầu tăng lên do các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được nới lỏng nhờ tiến độ tiêm vacxin Covid-19", Chiyoki Chen, nhà phân tích của Giao dịch Sunward.
Các cơn bão Ida và Nicholas, quét qua Vịnh Mexico của Hoa Kỳ vào tháng 8 và tháng 9, đã làm hư hỏng nhiều giàn khoan, đường ống và các trung tâm chế biến, khiến hầu hết các hoạt động sản xuất ngoài khơi Vịnh Mexico của Mỹ phải đóng cửa trong nhiều tuần.
Áp lực về nguồn cung càng gia tăng khi các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của châu Phi là Nigeria và Angola chật vật mà không đáp ứng được lộ trình nâng hạn ngạch sản xuất dầu theo thỏa thuận của OPEC đặt ra cho đến ít nhất là vào năm tới, do tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu khí từ bấy lâu nay.
OPEC+, hồi tháng 7/2021 đã đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12/2021, qua đó dần loại bỏ việc cắt giảm nguồn cung để vực dậy giá dầu. Tuy nhiên, sản lượng dầu trung bình của Nigeria và Angola trong năm nay vẫn thấp hơn 276.000 thùng/ngày so với hạn ngạch trung bình của OPEC là 2,83 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân vì các đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 vào năm ngoái đã cản trở việc cung cấp phụ tùng thay thế và hoạt động bảo trì các nhà máy sản xuất dầu mỏ. Trong khi đó, các công ty bị ảnh hưởng bởi việc giá dầu thô rơi xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua cũng hoãn các khoản đầu tư lớn, khiến Nigeria và Angola càng khó khăn hơn trong việc nâng sản lượng.
"Cuộc chiến" tăng sản lượng của các nước này đã phản ánh tình hình của một số thành viên khác trong nhóm OPEC và các đối tác gọi là OPEC+, những nước đã hạn chế sản lượng trong năm qua để hỗ trợ giá dầu giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 hạn chế nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, nhưng hiện không thể tăng sản lượng khi các nền kinh tế phục hồi.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều thị trường nới lỏng giãn cách xã hội sau đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, cho biết quốc gia sử dụng dầu lớn thứ năm thế giới này đang có kế hoạch dỡ bỏ tình trạng chống Covid-19 khẩn cấp ở tất cả các khu vực vào thứ Năm (30/9), khi số ca mắc mới giảm xuống và căng thẳng đối với hệ thống y tế giảm bớt.
Các nhà phân tích cũng cho rằng giá LNG và than đá tăng cũng góp phần đẩy giá dầu tăng lên.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: "Nhu cầu dầu có thể tăng thêm 0,5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu, do giá khí đốt cao buộc người sử dụng phải chuyển từ tiêu thụ khí đốt sang dầu mỏ". Ông nói thêm rằng giá năng lượng có thể tăng ngay từ bây giờ nếu mùa đông Bắc bán cầu lạnh hơn dự kiến.
Trung Quốc đang trong tình trạng khủng hoảng năng lượng do thiếu hụt nguồn cung cấp than, các tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn và nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất và ngành công nghiệp, đẩy giá than lên mức cao kỷ lục và gây ra tình trạng hạn chế sử dụng điện trên diện rộng.
Tiếp nối xu hướng đi lên, giá than tại Trung Quốc có thêm một phiên tăng, với than luyện kim trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên có lúc tăng 4,4% lên 2.972 nhân dân tệ (459,62 USD/tấn); than nhiệt trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu tăng 5,3% lên 1.297 nhân dân tệ/tấn; than cốc tương lai tại Đại Liên tăng 4,5% lên 3.348 nhân dân tệ/tấn.
"Do các chính sách hạn chế tiêu thụ năng lượng và môi trường, nguồn cung và lực cầu quặng cốc đều giảm", các nhà phân tích của Huantai Futures nhận định. Nhập khẩu than cốc từ Mông Cổ vào Trung Quốc vẫn hạn chế trong khi tình trạng thiếu than nhiệt cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung than cốc.
Thị trường khí đốt cũng tiếp tục nóng lên. Giá LNG giao tháng 11 thanh toán ngay tại châu Á ngày 28/9 tăng lên trên 32 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), gần sát mức cao kỷ lục lịch sử, thông tin từ Global Platts cho biết.
Dữ liệu cho thấy, giá than của Japan-Korea-Marker (JKM) – đang được sử dụng rộng rãi như giá tham chiếu cho thị trường giao ngay ở Châu Á – tăng lên 32,229 USD/mmBtu trong ngày 28/9, cao hơn 3,331 USD so với phiên liền trước, không xa so với mức "đỉnh" lịch sử là 32,50 USD hồi tháng 1/2021.
Các nhà phân tích lo ngại giá LNG sẽ còn tăng cao hơn nữa khi mùa đông đến, có thể phá vỡ những kỷ lục lịch sử của mùa đông năm ngoái, bởi lượng dự trữ hiện rất thấp, trong khi các nhà cung cấp chưa tăng cường nguồn cung.
Thị trường năng lượng toàn cầu nóng lên đang ảnh hưởng tới toàn thế giới, có thể sẽ tác động tới thị trường trong nước, sau khi giá xăng gần đây đã tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ đầu năm.
Ngày 25/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu , theo đó giá xăng E5RON92 tăng 573 đồng/lít, có giá bán lẻ không cao hơn 20.716 đồng/lít; xăng RON95 tăng 548 đồng/lít, có gián bán 21.945 đồng/lít; dầu diesel tăng 564 đồng/lít, có giá bán 16.586 đồng/lít. Dầu hỏa có giá 15.643 đồng/lít sau khi tăng 561 đồng/lít và dầu mazut tăng 628 đồng/kg, có giá bán lẻ không cao hơn 16.580 đồng/kg. Ngoài ra, cơ quan điều hành giá đã trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng RON95 ở mức 150 đồng/lít, dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít, dầu mazut ở mức 100 đồng/kg…
Với tình hình nguồn cung năng lượng khan hiếm trên toàn cầu hiện nay, không loại trừ khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ còn tiếp tục tăng trong kỳ điều hành sắp tới.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc Diệp
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.88954918092901202-cepo-iov-mad-neid-gnart-ahn-dsu-08-touv-uad-aig/nv.zibefac