Những chiếc máy bay ném bom B-52 là khí tài quan trọng của Không quân Mỹ. Giờ đây, oanh tạc cơ này sẽ trải qua đợt nâng cấp lớn giúp kéo dài thời gian hoạt động tới năm 2050.
Theo trang tin The EurAsian Times, Không quân Mỹ đã trao cho công ty Rolls Royce của Anh một hợp đồng thay thế các động cơ hiện tại của B-52H. Chi tiết về thỏa thuận được tiết lộ hôm 24-9.
Máy bay ném bom B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Barksdale bay trên bầu trời Texas (Mỹ). Ảnh: Wikipedia
Hợp đồng được Không quân Mỹ trao cho hãng Roll Royce trị giá 500,9 triệu USD trong sáu năm tới. Tuy nhiên, giá trị cuối cùng của hợp đồng có thể lên tới 2,6 tỉ USD nếu tất cả tùy chọn được thực thi.
“Hợp đồng này cung cấp 608 động cơ cùng phụ tùng, thiết bị hỗ trợ liên quan và dữ liệu kỹ thuật để sử dụng cho phi đội B-52H. Địa điểm thực hiện là TP Indianapolis, bang Indiana và dự kiến hoàn thành vào ngày 23-9-2038” – Lầu Năm Góc cho biết.
608 động cơ dự kiến sẽ đủ để thay thế cho số động cơ TF33 của hãng Pratt and Whitney hiện được gắn trên 76 chiếc B-52H còn lại trong Không quân Mỹ. Mỗi oanh tạc cơ B-52H hiện được trang bị tám động cơ TF33.
Đây là một trong những đợt nâng cấp lớn nằm trong chương trình nâng cấp “pháo đài bay” B-52H của Không quân Mỹ.
Hãng Rolls Royce đã đề xuất động cơ F130 để lắp cho phi đội B-52H của Không quân Mỹ. Mặc dù Rolls Royce tự tin rằng động cơ F130 của họ sẽ không cần phải thay thế trong suốt thời gian phục vụ còn lại của B-52H, song Không quân Mỹ muốn được trang bị động cơ dự phòng phòng trường hợp có bất kỳ động cơ mới nào cần phải thay thế.
Động cơ F130 đã cạnh tranh với động cơ CF34-10 của hãng General Electric và động cơ PW800 của hãng Prat and Whitney để giành được hợp đồng khổng lồ này.
“Một khi được lắp đặt, động cơ F130 sẽ cung cấp hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao hơn rất nhiều trong khi gia tăng tầm bay và giảm yêu cầu về máy bay tiếp dầu” – website của hãng Rolls Royce cho biết.
Động cơ F-130 của hãng Rolls Royce. Ảnh: Rolls Royce
Động cơ mới sẽ cho phép oanh tạc cơ B-52H tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tới năm 2050.
Động cơ TF33 của hãng Pratt and Whitney được trang bị trên oanh tạc cơ B-52H từ những năm 1960. Năm 1985, dây chuyền sản xuất động cơ này đóng cửa vì động cơ có hiệu suất hoạt động thấp. Kể từ đó, công ty tiếp tục cung cấp hỗ trợ cần thiết cho động cơ TF33 gắn trên B-52H cũng như mẫu máy bay khác đang biên chế trong Không quân Mỹ.
Tuy nhiên, chi phí bảo dưỡng không ngừng tăng cao. Năm 2016, Không quân Mỹ đã chi gần 2 triệu USD mỗi động cơ để đại tu hoàn toàn sau mỗi 6.000 giờ bay. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất để Không quân Mỹ tiến tới chương trình lắp động cơ mới cho B-52H.
Pháo đài bay B-52H là máy bay ném bom đa nhiệm tầm xa, có tải trọng vũ khí khủng. B-52H hoạt động như một nền tảng vũ khí thông thường và hạt nhân chiến lược chính của Không quân Mỹ và còn hỗ trợ Hải quân Mỹ trong các nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống tàu ngầm.
Gần đây nhất, B-52H đã được triển khai để yểm trợ trên không cho việc Mỹ rút quân khỏi Aghanistan.
Tháng 4-2002 là thời điểm đánh dấu 50 năm oanh tạc cơ B-52 thực hiện chuyến bay đầu tiên và đây là máy bay chiến đấu có thời gian phục vụ lâu nhất thế giới. Trong tổng số 744 chiếc B-52 được chế tạo, hiện chỉ còn 76 chiếc phục vụ trong Không quân Mỹ. Những máy bay này được đặt tại căn cứ không quân Barksdale (bang Louisiana) và căn cứ không quân Minot (bang North Dakota).