JV Solutions từng làm du lịch cho khách đoàn, trong hình là đoàn Mỹ sang Nhật du lịch năm 2018 - Ảnh: P.T.
Những tháng ngày trầm cảm
Các hợp đồng đặt tour hủy hàng loạt, mỗi ngày mở mắt ra, trong đầu anh chỉ đặc quánh nỗi lo tiền đâu để mỗi tháng phải có khoảng 200 triệu đồng Việt Nam vừa trả phí mặt bằng, và khoản lương cứng gần 100 triệu đồng Việt Nam cho 7 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian lúc đó.
Những khoản tiền tiết kiệm trong suốt hơn 10 năm làm việc cho ba công ty của Nhật trước khi ra riêng bị "đốt" rất nhanh trong chưa đến 10 tháng. Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất vì gần như cả thế giới bế quan tỏa cảng vì COVID-19.
Họa vô đơn chí, căn bệnh thoát vị đĩa đệm những tưởng đã nằm yên sau những tháng ngày trị liệu tại Singapore bỗng nhiên trở lại. Thoàn gần như ngồi yên suốt hơn sáu tháng.
"Đó là những ngày thực sự căng thẳng. Dịch bệnh buộc tôi nhìn lại mọi thứ của mình. Giờ nhớ lại, tôi nghĩ có lẽ nhờ cú sốc đó tôi có nhiều thời gian để chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ về bản thân, sự nghiệp và những lựa chọn sắp tới" - Thoàn chia sẻ thêm khi Công ty JV Solutions của anh bắt nhịp với guồng công việc mới đang khá tốt: nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và một số nước khác vào Nhật Bản.
Sinh trưởng ở Long An, máu xê dịch đã ngấm vào Thoàn từ nhỏ. Dù sau này học đại học ngành kỹ sư hóa, nhưng Thoàn còn có nghề tay trái là làm mod cho trang web Phuot.vn (phượt.vn).
Đam mê đi đây đó, thích trải nghiệm, khám phá đã trở thành một phần trong tính cách, nên khi quyết định rời bỏ công việc ổn định với mức lương 4.000 USD tại Công ty 505 của Nhật vào tháng 3-2017, Thoàn thành lập Công ty JV Solutions chuyên tổ chức tour du lịch riêng (private tour) cho các nhóm từ 7-14 người và xúc tiến thương mại Việt Nam - Nhật Bản. Công ty anh đã đồng hành tổ chức các festival thương mại Nhật - Việt tại thành phố Kawasaki.
Ở giai đoạn trước dịch, bất chấp sức ép cạnh tranh rất lớn, JV Solutions vẫn luôn duy trì vài trăm khách mỗi tháng và doanh thu rất ổn. Khi dịch COVID-19 tấn công mạnh nước Nhật vào khoảng tháng 4-2020, Thoàn bị bể luôn kế hoạch tổ chức tour đưa khách Thái tới Nhật, tiền cọc cũng đã nhận. Dịch cũng làm tan luôn dự kiến về sự kiện kết nghĩa giữa tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Kanagawa do JV Solutions đóng vai trò kết nối năm ngoái…. Cũng lúc đó, Thoàn đổ bệnh.
Bệnh thể chất đã mệt, áp lực căng thẳng chèo chống doanh nghiệp trước "bão" COVID-19 như quả núi đè nặng lên đôi vai chàng trai vốn luôn đòi hỏi khắt khe với bản thân trong công việc. Những năm tháng đầu khởi nghiệp, Thoàn đã "vung tay quá trán" với sức khỏe khi làm việc tới 17-18 tiếng một ngày. "Giờ thì tôi đã biết quý trọng sức khỏe của mình nhiều lắm rồi, dù đam mê công việc thì vẫn còn nguyên" - Thoàn cười chia sẻ.
Nghĩ về thế mạnh của mình
Sáu tháng nằm nhà "dưỡng thương"cho Thoàn sự tĩnh lặng để tìm lối ra cho JV Solutions. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp tại Nhật, Việt Nam cũng như nhiều nước khiến anh hiểu ngày bình thường trở lại với du lịch không thể nhanh. Cảm nhận đó càng rõ hơn sau kế hoạch tổ chức tour du lịch vắc xin COVID-19 thí điểm từ Việt Nam qua Nhật với 60 khách đầu tiên của Thoàn gần đây đã bị hủy vô thời hạn.
Nghĩ về ngành học mình được đào tạo - kỹ sư hóa thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch, nghĩ về công việc từng kinh qua ở Nhật là làm kỹ sư cho một công ty chuyên sản xuất rau sạch cho siêu thị, nghĩ về quê nhà Long An với thương hiệu chuối Fohla của ông Út Huy, nghĩ về các loại trái cây nhiệt đới ngon lành của Việt Nam như thanh long, sầu riêng, Thoàn quyết định chuyển sang nhập khẩu nông sản và trái cây vào Nhật, sắp tới sẽ là hải sản đông lạnh.
Thế rồi bất kể thể trạng còn khá đuối, khoảng tháng 10-2020, Thoàn nhúc nhắc kéo thùng chuối mẫu đi chào hàng đối tác. "Tới giờ tôi cũng không biết sao lúc đó mình có sức đi được nữa, vì bệnh thoát vị đĩa đệm khiến việc đi lại rất đau đớn. Nhưng có lẽ cũng vì đối tác thấy mình vậy nên cảm thương chăng mà tôi đã có được những đơn hàng đầu tiên" - Thoàn kể. Sau chuối là thanh long, sầu riêng, chôm chôm, hàng nhập không chỉ từ Việt Nam mà còn từ các nông trại lớn tại các nước như Guatemala.
Dù có những liên quan gần, nhưng với Thoàn, xuất nhập khẩu vẫn là mảng hoàn toàn mới. Chưa nói tới những khó khăn gây dựng mạng lưới đối tác, nguồn hàng, chỉ riêng chuyện hiểu cho thông các văn bản thủ tục hành chính của Nhật trong lĩnh vực này với anh đã là thử thách lớn.
"Tôi là dân tay ngang đi vào lĩnh vực này, chỉ có kiến thức về thực phẩm, thời gian đầu do ít kinh nghiệm, tôi cũng đã phải trả "học phí" rất nhiều" - Thoàn nói.
Đến thời dịch, JV Solutions chuyển qua nhập khẩu nông sản Việt Nam vào Nhật. Thoàn (bìa phải) và các bạn đang giao vải tại siêu thị trái cây Nhật - Ảnh: P.T.
Đã "sống sót"
Thị trường Nhật rất khó tính song cũng vô cùng hấp dẫn, do đó sức ép cạnh tranh luôn rất lớn. Ngay cả lúc này, sau khi đã khai thông lối đi mới, Thoàn vẫn đối mặt nhiều thách thức.
"Chuối của mình sạch và công bằng mà nói thì ngon hơn, nhưng giá cũng đắt hơn chuối Philippines. Trong khi một thùng chuối của mình có giá từ 13-14USD, chuối của họ chỉ là 6-7USD/thùng nên lượng tiêu thụ của chúng tôi bị giảm" - Thoàn chia sẻ.
Cũng bởi thế, từ tháng 4 năm nay, JV Solutions nhập thêm thanh long, sầu riêng từ Việt Nam. Thoàn nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn hàng để "cái nọ bù cái kia". Sắp tới JV Solutions sẽ nhập thêm ớt chuông và măng tây từ Việt Nam.
"Ở Nhật, không nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ như JV Solutions có các nguồn trái cây trực tiếp từ nông trường nước ngoài, bởi thế, đây là thế mạnh riêng của chúng tôi" - Thoàn nói và tự tin khẳng định JV Solutions đang là nhà cung cấp chôm chôm của Guatemala lớn nhất tại thị trường Nhật.
"Lúc này chúng tôi cũng chỉ mới đang sống ổn, chưa lời lãi nhiều, nhưng tôi mừng vì có thể duy trì công ty trong giai đoạn dịch giã khắc nghiệt. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch cho những hoạt động tới đây mà tôi tin sẽ tốt hơn nhiều khi dịch bệnh giảm bớt" - Thoàn chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp Việt tại Nhật linh hoạt ứng phó với COVID-19
Ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: Hàng ngàn doanh nghiệp của Nhật bị phá sản khi dịch COVID-19 kéo dài. Qua hoạt động hợp tác của Thương vụ Việt Nam tại Nhật với các doanh nghiệp thời gian qua, chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đã có bước chuyển mình thích ứng với hoàn cảnh khá nhanh và linh hoạt.
Cụ thể là Công ty JV Solutions có trụ sở tại Kawasaki. Khi dịch COVID-19 ập đến, công ty hoàn toàn mất doanh thu. Giám đốc công ty nói họ rất mong dịch COVID-19 qua mau, nhưng sau gần nửa năm gồng mình chờ đợi, họ hiểu việc này là không thể.
Từ đó công ty đã có những trăn trở, định hướng lại hoạt động, quyết định chuyển sang hoạt động nhập khẩu hàng nông sản, hoa quả tươi từ Việt Nam để tiếp tục duy trì hoạt động, cũng như định hướng phát triển lâu dài đối với hoạt động này.
***********
Hàng loạt công ty du lịch khủng hoảng gần hai năm qua vì COVID-19. Hành động để sống sót và chờ thời là phương châm hành động của Cohost AI.
>> Kỳ tới: Phải chuyển đổi để "sống sót" qua thời khắc nghiệt
TTO - Là một trong những ảo thuật gia hàng đầu của Anh, năm ngoái chị Kerry Scorah trải qua biến cố phi tiền lệ khi tất cả những lịch diễn biến mất "chỉ sau một đêm" vì dịch giã bùng phát, nhưng người phụ nữ này đã không chịu thúc thủ.