Đã mấy tháng nay, anh Ch (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) nóng ruột vì không thể đi xem được BĐS tại Đồng Nai do giãn cách kéo dài. Vào khoảng tháng 6/2021, anh được môi giới chào miếng đất giá khá tốt ở Nhơn Trạch, có sổ đỏ, nhưng do tình hình dịch bệnh anh không thể đi xem thực tế được.
Mọi thứ trên giấy đều khá ưng nhưng việc quyết định xuống tiền còn phải đi xem thực tế. "Tôi mong sớm được đi lại bình thường để đi xem được đất rồi quyết định, để lâu lại lo ngại việc lên giá, mất cơ hội đầu tư", anh Ch chia sẻ.
Được biết, nhà đầu tư này hiện cũng có vài BĐS tại Long Thành và khu Đông của Tp.HCM. Trước thời điểm giãn cách, anh Ch có bán ra một BĐS tại khu Đông và có dòng tiền sẵn nên đi "săn" BĐS tỉnh lân cận để đầu tư dài hạn. Anh nhắm đến BĐS có giá mềm từ 1 -2 tỉ đồng, pháp lý ổn, ở các nơi có hạ tầng, quy hoạch đang được đầu tư để "đón sóng" đầu tư.
Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư có BĐS đang đầu tư tại vùng ven Tp.HCM cũng mong chờ hết giãn cách để thị trường hoạt động trở lại, để có thể bán được các BĐS đã mua trước đó.
Ảnh: Minh hoạ
Mong chờ không kém nhà đầu tư, môi giới BĐS mong mỏi từng ngày để được đi làm trở lại, được dẫn khách đi xem trực tiếp BĐS. Anh H, một môi giới BĐS tự do khu Đông Sài Gòn đã gần 4 tháng nay "ngủ đông" vì dịch bệnh, chỉ mong được nới giãn cách để dẫn khách đi xem đất. Trong thời điểm dịch, theo anh H có vài khách đầu tư muốn đi xem đất nhưng do dịch nên vẫn chờ mới quyết định "xuống tiền".
"Đã 4 tháng nay em không có thu nhập rồi chị, giờ chỉ ở nhà mong hết giãn cách để được đi lại, làm ăn kiếm tiền tiêu vào dịp Tết. Trước đó, cũng buôn bán linh tinh để kiếm thêm thu nhập nhưng mình vẫn mong được trở lại với nghề của mình", anh H bộc bạch.
Đợt dịch Covid-19 lần 4 kéo dài đã khiến thị trường BĐS ảnh hưởng nặng nề, trong đó môi giới BĐS gần như lao đao. Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), do tình hình dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay có tới 28% sàn giao dịch BĐS có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm 1-2 tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng.
Cũng theo VARS, hơn 80% sàn giao dịch hiện không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Chỉ có khoảng 1% sàn môi giới có doanh thu ổn định, 16% số sàn đạt 50-80% doanh thu, 51% sàn có doanh thu dưới 50%, khoảng 32% số sàn không có doanh thu.
Quỹ lương cạn kiệt khiến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự. Cụ thể, 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương; 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập - tương đương với 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch. Trong khi đó, số lao động còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm việc luân phiên. Hiện 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.
Dẫu vậy, tính đến hiện tại, 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, 70% sàn cũng phản ảnh không được giảm chi phí thuê mặt bằng, ngay cả khi phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động để chống dịch.
Khó chồng khó, ai cũng mong thị trường BĐS hoạt động trở lại để giảm đi những khó khăn bủa vây. Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS giảm sút chủ yếu đến từ yếu tố dịch bệnh chứ không phải sự bất ổn về nguồn cầu. Sức cầu trên thị trường vẫn khá tốt. Nhưng vì dịch bệnh kéo dài mà lĩnh vực môi giới BĐS gặp nguy, cần sự hỗ trợ để hồi phục trở lại.
Ghi nhận cho thấy, dù dịch Covid-19, mức độ quan tâm của người mua đến thị trường BĐS vẫn còn rất lớn. Dữ liệu Batdongsan.com.vn chỉ ra, mức độ quan tâm tới bất động sản luôn tăng mạnh sau mỗi đợt Covid-19. Cụ thể, sau đợt dịch đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau đợt 2 tăng 62% và sau đợt 3 tăng mạnh tới 378%. Mặt khác, nhiều ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay đưa mặt bằng lãi suất về mức 4% một năm - mức thấp nhất trong vòng hai năm qua, khiến nhu cầu trên thị trường vẫn dồn sự quan tâm về BĐS.
Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế