Thủ tướng Suga Yoshihide (trái) chúc mừng ông Kishida Fumio sau khi ông đắc cử chức chủ tịch LDP ngày 29-9 - Ảnh: REUTERS
Ông Kishida được biết là người ăn nói nhẹ nhàng, xuất thân từ một gia đình chính trị gia ở Hiroshima và đã từng giữ chức ngoại trưởng từ tháng 12-2012 đến tháng 8-2017.
Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc ông đã thuyết phục được tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm quê nhà Hiroshima năm 2016. Chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử vì đây là nơi Mỹ đã ném bom nguyên tử năm 1945 khiến hơn 140.000 người chết.
Trong giai đoạn làm ngoại trưởng, ông Kishida cũng đàm phán các hiệp định với Nga và Hàn Quốc, những nước có mối quan hệ thường xuyên rơi vào băng giá với Nhật Bản.
Ba lần trượt đại học
Đây là lần thứ hai ông Kishida ra tranh cử chức chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP). Trong lần đầu năm ngoái, ông thất bại trước ông Suga Yoshihide.
Do LDP đang có nhiều ghế nhất tại Hạ viện, cuộc bỏ phiếu bầu ông Kishida làm thủ tướng diễn ra tại Hạ viện vào ngày 4-10 tới chỉ mang tính thủ tục.
"Khi đó tôi không đủ giỏi. Tôi nghĩ mình không có đủ niềm tin. Nhưng lần này thì khác. Tôi đứng đây với một niềm tin mạnh mẽ rằng tôi là thủ lĩnh cần thiết lúc này", ông Kishida nói về thất bại năm 2020 khi khởi động chiến dịch tranh cử chức chủ tịch LDP lần hai.
Khi được hỏi về phong cách lãnh đạo của mình, ông Kishida cho rằng việc xây dựng sự đồng thuận từ dưới lên rất quan trọng trong chính trị và không kém cách tiếp cận từ trên xuống.
Trao đổi với Hãng thông tấn AFP, ông Tobias Harris, chuyên gia cấp cao về châu Á tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận xét ông Kishida "linh hoạt" hơn đối thủ Kono Taro trong chính sách đối ngoại và chính sách an ninh.
Khi còn nhỏ, gia đình ông Kishida sống vài năm ở New York (Mỹ), nơi ông nếm trải cảm giác bị phân biệt chủng tộc ở trường học. Những trải nghiệm cá nhân lúc nhỏ đã cho ông Kishida ý thức mạnh mẽ về công lý, theo ông Harris.
Cha mẹ ông Kishida đã rất buồn lòng khi ông trượt khoa luật của Đại học Tokyo liên tục 3 lần. Cuối cùng ông chọn Đại học Waseda, một trường tư thục nổi tiếng của Nhật vì sự nghiêm túc và không phô trương.
Năm 1993, sau nhiều năm làm việc tại một ngân hàng, ông Kishida tiếp nối truyền thống gia đình và dấn thân vào chính trường. Ông đắc cử ghế nghị sĩ đại diện cho khu vực bầu cử số 1 của Hiroshima trong cuộc tổng tuyển cử cùng năm.
Trong chiến dịch tranh cử chức chủ tịch LDP, ông Kishida xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe.
Ông kêu gọi người dân gửi thư góp ý hoặc đóng góp ý kiến và luôn mang theo một quyển sổ nhỏ trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ghi lại ý tưởng từ công chúng.
Ông Kono Taro (trái), đối thủ trực tiếp của ông Kishida - Ảnh: REUTERS
Ưu tiên đối phó Trung Quốc
Chiến thắng của ông Kishida được cho là sẽ không tạo ra thay đổi lớn nào trong các chính sách đối ngoại của Nhật. Theo tờ Nikkei Asia, tân chủ tịch LDP đã nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của ông là đối phó với Trung Quốc.
Theo ông Kishida, Nhật cần tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố quan hệ an ninh với Mỹ và các đối tác khác, chẳng hạn nhóm Tứ giác kim cương gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.
Ông Kishida tuyên bố nếu trở thành thủ tướng, ông sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật, thúc đẩy phát triển các loại vũ khí tấn công thay vì phòng thủ trong bối cảnh các nước khác đã đạt được năng lực tấn công phủ đầu nước Nhật.
Ông cũng tuyên bố ủng hộ việc thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc đối xử vô nhân đạo với người Duy Ngô Nhĩ - một cáo buộc mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.
Tân chủ tịch LDP sẽ không có nhiều thời gian để ăn mừng vì phải dẫn dắt đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 nếu muốn tiếp tục làm thủ tướng.
Một số nhà phân tích cho rằng các đảng đối lập đang ăn mừng vì chủ tịch LDP không phải là ông Kono, một người có sức ảnh hưởng lớn trong giới trẻ và gần gũi với công chúng vì thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trên cương vị ngoại trưởng vào năm 2016, ông Kishida Fumio đã dành cho báo Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn riêng. Ông chia sẻ Việt Nam là một đất nước mà ông có nhiều tình cảm gắn bó.
"Tôi đã nhiều năm đảm nhận vai trò tổng thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt và hết sức vui mừng khi có chuyến thăm lần thứ hai tới Việt Nam", ông Kishida chia sẻ với Tuổi Trẻ năm 2016.
TTO - Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản chọn cựu ngoại trưởng Kishida Fumio làm lãnh đạo mới, đồng thời cũng sẽ là tân thủ tướng của nước này, trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào trưa nay 29-9.
Xem thêm: mth.68613853192901202-tahn-gnout-uht-ned-gnah-nagn-neiv-nahn-ut-oimuf-adihsik-gno/nv.ertiout