Trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 10/2021 - COVID Kéo dài sáng 29/9, bên cạnh các đánh giá và dự báo về tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng công bằng và giảm thiểu bất bình đẳng thu nhập trong thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo này, đai dịch Covid-19 đang đe dọa tạo ra sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm và bất bình đẳng thu nhập giữa các thành phần kinh tế - xã hội gia tăng lần đầu tiên trong thế kỷ này ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP).
Tăng trưởng chậm đến từ việc sản xuất hiện tại bị giảm cộng với tiềm năng sản xuất trong tương lai cũng bị rút ngắn do nợ công và tư, vốn con người giảm do thiếu thu nhập, thực phẩm và trường học dừng mở cửa, mất tài sản vô hình từ việc các doanh nghiệp phá sản, và chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn.
Cùng với tốc độ tăng trưởng chậm lại, WB dự báo rằng nếu chính sách tiến bộ không được thực thi, bất bình đẳng thu nhập sẽ gia tăng, khiến thêm hàng triệu người phải ở mức nghèo vào năm 2023 và giảm hiệu quả của các chương trình xóa đói giảm nghèo. Ảnh hưởng chênh lệch của đại dịch giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn cũng có thể dẫn đến khoảng cách giàu nghèo tăng, chủ yếu vì khả năng dịch chuyển yếu của lao động và việc nhiều gia đình sống dựa vào kinh doanh nhỏ lẻ.
WB đã nhấn mạnh các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng công bằng. Theo đó, cần thực hiện nhiều cải cách về môi trường kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn phục hồi nhanh chóng phát triển.
Thêm vào đó, giải pháp chính sách cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số, tăng cường cải cách và đầu tư cho giáo dục, tăng sử dụng phương tiện thuế lũy tiến và củng cố, tổ chức lại hệ thống an sinh xã hội. Đây cũng là khuyến nghị của WB dành cho Việt Nam - mở rộng và cải thiện chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt cho các hộ gia đình, lao động tự do và những người bị ảnh hưởng nhưng chưa được ghi nhận.
Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết, qua khảo sát do WB thực hiện, chỉ khoảng 18% số hộ gia đình thu nhập thấp và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng đã nhận được khoản hỗ trợ chính thức. Hệ thống hỗ trợ xã hội cho người nghèo và hộ gia đình thu nhập thấp ở nông thôn đã rất phát triển so với thời điểm được thiết lập, nhưng vẫn cần được tiếp tục củng cố không chỉ cho đại dịch mà còn cho dài hạn.
Bà Turk cho rằng Việt Nam cần sớm thiết lập một hệ thống thông tin xã hội bao phủ phần lớn dân số, nhận diện những vấn đề riêng của từng cộng đồng dân cư và tăng tốc bao phủ hệ thống nhận tiền hỗ trợ trực tuyến.
Bà đã lấy một vài ví dụ cụ thể gần gũi, như một người bán hoa dạo trên cầu Long Biên và người lái xe ôm chở bà đi ăn phở ở Hà Nội, để minh họa việc những người chưa tiếp cận được tiền hỗ trợ.
Tùng Phong