Bắt đầu từ ngày 1-10, TP.HCM sẽ chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đợt hỗ trợ này, TP sẽ chính thức áp dụng phần mềm “SafeID Delivery” để quản lý và chi hỗ trợ cho người dân.
Việc sử dụng phần mềm trong chi trả hỗ trợ lần này sẽ giúp việc chi trả được nhanh chóng, đảm bảo đúng người, tránh sai sót, trùng lặp.
Cán bộ phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM trao tiền hỗ trợ đợt 2
cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chi hỗ trợ cho người dân sẽ nhanh hơn
Anh ĐCN (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết trong hai đợt chi hỗ trợ cho người dân trước đây, đã có không ít trường hợp người dân phản ánh phải chờ hỗ trợ quá lâu. Dẫn đến tình trạng lập danh sách hỗ trợ một lượt nhưng người nhận trước, người nhận sau; có người nhận một lần nhưng cũng có người lại được nhận hai lần. Sau đó dẫn đến khiếu nại, chính quyền phải đứng ra giải thích nguyên nhân là do khâu làm thủ tục còn chậm, thiếu sót…
“Tôi thấy trong thời gian qua, khối lượng công việc ở các xã, phường rất nhiều, cán bộ cơ sở rất tất bật với các công tác hỗ trợ người dân. Việc lập danh sách nhận hỗ trợ cũng rất cực vì khối lượng dữ liệu nhiều, không tránh để lọt, sai sót. Nay với việc sử dụng phần mềm trong việc chi hỗ trợ, tôi mong gói hỗ trợ sẽ tới tay người dân được sớm hơn” - anh N nói.
Theo anh TDK (phường Phú Mỹ, quận 7), việc sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm để quản lý, giám sát việc chi trả hỗ trợ là rất cần thiết. Việc này vừa đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, đúng người, vừa giảm bớt gánh nặng cho các cán bộ tại cơ sở và quan trọng nhất là lại tránh được việc nhầm lẫn, trùng lặp, sai sót trong việc chi hỗ trợ. Việc chi hỗ trợ chắc chắn sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn hai lần trước.
Phần mềm lọc ra người không thuộc diện hỗ trợ
Liên quan đến chi trả hỗ trợ đợt 3, trước đó, UBND TP đã giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thực hiện chi trả đợt 3 cho lực lượng của 312 phường, xã, thị trấn.
Theo đó, mỗi đơn vị xã, phường sẽ được cấp một tài khoản quản trị do chủ tịch UBND phụ trách, theo dõi, chỉ đạo.
Mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức cũng có hai tài khoản quản trị cấp cho chủ tịch UBND và trưởng Phòng LĐ-TB&XH để quản lý. Cụ thể, để theo dõi tiến độ chi trả, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn thiết lập và chuẩn bị báo cáo định kỳ về tình hình triển khai hỗ trợ cho UBND TP.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về chi trả hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Anh Quang, Chủ tịch UBND phường 2, quận Tân Bình, cho biết quy trình lập danh sách các đối tượng nhận hỗ trợ về cơ bản cũng giống như hai đợt trước. Theo đó, từng tổ dân phố, khu phố sẽ rà soát, đánh giá và lập danh sách người thuộc diện được nhận hỗ trợ, sau đó các khu phố gửi danh sách về UBND phường để tổng hợp. Sau khi có danh sách từ các khu phố gửi lên, phường sẽ lập hội đồng để thẩm định, xét duyệt trước khi danh sách được gửi lên quận.
Cũng theo ông Quang, điểm khác biệt lần này chính là ở việc sau khi có danh sách của các hộ dân từ khu phố gửi lên, sau khi thẩm định, UBND phường sẽ gửi cho phía QTSC để đối chiếu, lọc lại những người không thuộc diện được nhận hỗ trợ.
Ví dụ, địa phương gửi danh sách 100.000 người cho QTSC. Sau khi kiểm tra, phía QTSC phát hiện có khoảng 2.000 người không thuộc diện được hỗ trợ. Sau khi lọc xong, QTSC sẽ gửi về lại cho UBND phường danh sách người dân thuộc đúng diện được chi trả.
“Như vậy, các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chi trả tại địa phương sẽ giảm tải được rất nhiều khối lượng công việc khi không phải ngồi rà từng người, xem rất nhiều hồ sơ để xét duyệt ” - ông Quang chia sẻ.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết danh sách người dân thuộc diện được nhận hỗ trợ đợt 3 tại địa phương đã hoàn tất, đã được gửi lên quận để xét duyệt. Sau khi có danh sách xét duyệt, UBND phường sẽ gửi danh sách lần hai (lần một gửi để lọc người không thuộc diện được nhận hỗ trợ) cho QTSC để nhập vào dữ liệu chung của TP, sau đó tiến hành chi trả.
“Hiện nay, các cán bộ, công chức được phân công phụ trách việc chi trả hỗ trợ đang được phía QTSC tập huấn sử dụng phần mềm. Việc chi trả qua phần mềm giúp tránh được việc nhầm lẫn, trùng lặp hoặc chi trả không đúng người. Đồng thời còn giúp giảm được khối lượng công việc cho người làm công việc này” - ông Dũng nói.
Tại phường 5, quận Bình Thạnh, ông Bùi Nguyên Vũ, Chủ tịch UBND phường, cũng cho biết việc lập danh sách nhận hỗ trợ tại địa phương đã hoàn tất và đã được gửi lên quận. Sau khi danh sách được UBND quận thông qua và việc tập huấn sử dụng phần mềm hoàn thành, địa phương sẽ chi hỗ trợ cho người dân trong thời gian sớm nhất.•
Bốn nhóm đối tượng không thuộc diện được nhận hỗ trợ Tại Văn bản 3181 của UBND TP.HCM về việc hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã nêu rõ bốn nhóm đối tượng không được nhận hỗ trợ trong đợt này bao gồm: - Người đang hưởng lương hưu. - Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động. - Người lao động đang tham gia BHXH. - Người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021. |