Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng thảo luận về việc tăng giá điện tiêu dùng trong trường hợp tăng giá điện công nghiệp không đủ để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên cho biết đây chưa phải kế hoạch cuối cùng và những thay đổi vẫn có thể diễn ra cho tới khi nó được công bố chính thức.
Các cuộc thảo luận về tương lai giá điện diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đối mặt với tình trạng thiếu điện, làm dấy lên nguy cơ kéo lùi tăng trưởng và gây căng thẳng hơn nữa cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, việc giá than cao kỷ lục đồng nghĩa với việc nhiều nhà máy phát điện đang thua lỗ với giá thành hiện tại. Điều này khiến nhiều nhà máy không thể gia tăng sản lượng điện để đáp ứng nhu cầu.
Trong phản ứng đầu tiên trước cuộc khủng hoảng điện lan rộng ở 20 tỉnh thành của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết họ sẽ điều chỉnh để giá điện phản ánh hợp lý những thay đổi về nhu cầu, nguồn cung và cả chi phí.
Tuy nhiên, điện là mặt hàng không thể tăng giá tùy ý ở Trung Quốc. Giá bán điện phải theo quy định. Các tỉnh được phép tăng giá bán điện nhưng không được phép vượt quá 10% so với giá mà chính phủ công bố. Hiện tại, không rõ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc có cho phép tăng giá điện cao hơn hay không.
Một số tỉnh đã sử dụng hết hạn mức 10% trong tăng giá điện. Tuy nhiên, vấn đề không thể được giải quyết theo cách này. Họ cần tăng giá cao hơn nữa để có thể kiềm chế được cuộc khủng hoảng này.
Điều này trở thành tin dữ với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã trở nên mong manh vì Covid-19, khủng hoảng container hay chi phí vận tải tăng đột biến. Trung Quốc hiện vẫn là công xưởng của thế giới và là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.