Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương phối hợp với các nhà hảo tâm tặng quà cho trẻ em gia cảnh khó khăn tại thị xã Tân Uyên - Ảnh: B.SƠN
1. Đêm, trong một khu nhà trọ ở tổ 4, khu phố 4, phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát, Bình Dương), đứa bé 2 tuổi cứ đứng nhìn lên ảnh mẹ trên bàn thờ, khóc. Người cha 31 tuổi ôm con vào lòng nằm trên chiếc võng dỗ ru.
Bé vẫn khóc. Bỗng, nghĩ sao anh đứng dậy lục tìm được chiếc áo còn lại của vợ. Anh phủ choàng chiếc áo quanh con. Có lẽ hơi ấm của mẹ từ chiếc áo tỏa ra, bé nín và từ từ ngủ thiếp đi...
Anh chị quê ở Quảng Bình, từ nhiều năm nay vào làm công nhân sống qua ngày, có ba đứa con. Đứa nhỏ nhất chưa kịp bú dòng sữa mẹ: tới ngày sinh chị bị nhiễm COVID phải mổ bắt con. Con chào đời nhưng chị đã ra đi... Ba cháu bé bỗng trở thành mồ côi mẹ.
2. Hàng ngàn cháu bé bỗng trở thành mồ côi trong đại dịch này như vậy. May thay, trong những ngày qua có rất nhiều tấm lòng trải ra, khoác lên các cháu những chiếc áo ấm tình người.
Như bàn tay sần thô của anh Nguyễn Hữu Linh, đi phụ xe tải, ở khu nhà trọ trên đường Nguyễn Cữu Phú, phường Tân Tạo A, Bình Tân, đã khoác "chiếc áo" lên hai đứa cháu 6 tuổi và 12 tuổi của mình.
Cha bị ung thư mất từ hai năm trước, mẹ hai cháu vừa ra đi vì COVID. Trước khi ra đi, chị gọi cho Linh, em chồng: "Nhờ chú trông coi giùm hai cháu…". Trong khu nhà trọ khốn khó, anh xoay xở lo cho mẹ già và hai cháu. Anh dỗ dành, bày trò chơi với hai cháu. Chiếc điện thoại của anh được mở suốt cho hai cháu học online.
Như thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý quân khí, bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP Thủ Đức, khi đưa tro cốt của một người phụ nữ về một khu nhà trọ ở phường Tân Phú đã phải lặng người, rơi nước mắt khi thấy một cháu bé khoảng 4 tuổi ngồi lặng yên trước bàn thờ mẹ trong căn phòng tối.
Hỏi ra mới biết: cha cháu bỏ đi từ khi cháu mới ra đời, mẹ đi nhặt ve chai, hai mẹ con bị nhiễm. Mẹ không qua khỏi, cháu hết bệnh được đưa về lại khu nhà trọ. Thiếu tá Kiên thương cháu quá, nhận làm con nuôi. "Tôi sẽ lo cho con đến khi con trưởng thành, 18 tuổi", anh nói.
3. Còn nhiều lắm những bàn tay, những tổ chức từ thiện sẵn sàng khoác cho các cháu tấm áo. Như FPT đã quyết định nhận nuôi dưỡng trẻ, chu cấp toàn bộ đến khi trưởng thành.
Như Hội đồng Đội TP.HCM đã tính câu chuyện lâu dài là lo cho việc học của các em và đã phát động ngay chương trình kết nối học bổng bảo trợ học tập cho các em đến hết THPT.
Huyện Bình Chánh nhanh chóng huy động các đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đồng hành thực hiện mô hình "Trao gởi yêu thương" chăm sóc cho các em.
Chương trình sẽ vận động, chăm lo cho các em từ nay đến khi tròn 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông, đại học, nghề nghiệp.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng khẳng định: TP.HCM đang tổng hợp danh sách các cháu mất cha mẹ vì dịch COVID-19 để trong tháng 9 kịp ban hành chính sách chăm lo và giúp các cháu có điều kiện học tập đến năm 18 tuổi…
Tất cả các em rồi sẽ được khoác những chiếc áo ấm áp, yên lành, nhưng dẫu gì những chiếc áo dù đầy sự thương yêu cũng không thể là chiếc áo của mẹ, tỏa ra hơi mẹ. Các em cần có người ruột rà máu mủ, cần có một mái ấm gia đình.
Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì. Ông bà, chú bác, cậu dì... sẽ là những người bảo trợ yêu quý nhất, gần nhất với hình ảnh mẹ cha các em.
Tất cả những chính sách, chế độ, những trợ giúp của xã hội, những tấm lòng dành cho các em sẽ góp phần cùng người bảo trợ ruột rà đưa các em về tương lai, khoác được cho các em chiếc áo ít nhiều cũng mang hơi ấm của mẹ.
Ngày 23-9, Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Ủy ban quốc gia về trẻ em có công văn đề nghị 63 tỉnh thành hỗ trợ kịp thời cho trẻ em có cha, mẹ mất do dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.15045749003901202-em-auc-ioh-ma-oa-ceihc-caohk/nv.ertiout