Nhân viên y tế tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 chăm sóc cho những F0 đang điều trị tại đây - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu bùng phát đầu tháng 6-2021. Mầm bệnh lan trong cộng đồng. Do công việc, nhân viên ngân hàng như chúng tôi là một trong các ngành nghề tiếp xúc nhiều, không ít người thành F0, F1.
Ngày 1-6:
Tôi nhận điện thoại từ một đồng nghiệp cho biết bạn thuộc diện nghi nhiễm do có tiếp xúc với ca F0.
Cô tên là N.T.Q.N., khi ấy là nhân viên làm việc tại một chi nhánh ngân hàng ở Q.1, TP.HCM. Bạn có 30 phút chuẩn bị hành trang đi cách ly, không có người thân bên cạnh, đồng nghiệp nghi ngại né tránh.
Tâm trạng rối bời, người đã mệt như muốn rụng rời chân tay. Nhưng may mắn N. đã tạm ổn và được về cách ly tại nhà khi có kết quả âm tính sau ba lần xét nghiệm.
Ngày 8-7:
May mắn được khỏe mạnh, trở về nhà sau khi kết thúc thời gian cách ly theo quy định (21 ngày kể từ ngày 1-6-2021) tại khu cách ly tập trung ở KTX Đại học Quốc gia TP.HCM.
Vui được mấy hôm, N. nhận được email từ phòng nhân sự của ngân hàng với nội dung "không tái ký hợp đồng" khi hết hạn hợp đồng lao động vào ngày 20-7-2021 (sau ba năm làm việc tại đây).
Đất như sụp dưới chân trong tình huống này, khi thành phố đang siết giãn cách mức cao hơn. Mùa dịch này đâu đâu cũng nghe chuyện bị giảm lương, cắt giảm nhân sự, nhiều nhân viên ngân hàng cùng cảnh ngộ mất việc như N.. Đang siết giãn cách, nơi đâu còn tuyển dụng để đi làm kiếm sống?
Đầu tháng 9:
Đồng nghiệp hỗ trợ cô xin việc ở một ngân hàng khác. Ngày 10-9, N. lại nhận hung tin là có kết quả dương tính với COVID-19 sau một lần xét nghiệm tại phường ở quận 12, TP.HCM.
N. gọi cho tôi báo tin bị nhiễm, vài câu thôi, nghe giọng nói yếu ớt, mệt mỏi sau hơn một tuần phải thở oxy do y tế phường mang đến.
Lúc này tìm được một bệnh viện tiếp nhận quả thật là quá khó! Khi N. gọi, hơi thở đã yếu lắm rồi. Thật may mắn, 3 tiếng đồng hồ sau, N. được một bệnh viện ở Củ Chi đồng ý tiếp nhận điều trị.
Những ngày ở bệnh viện điều trị
Ở cùng bệnh nhân rất nặng, mấy lần chứng kiến những hoàn cảnh "người đi không trở lại nhà" quả là một thử thách thần kinh.
Sau khi được y bác sĩ chăm sóc tận tụy, luyện tập theo hướng dẫn của các bác sĩ, uống thuốc đầy đủ và được theo dõi thường xuyên, lúc này tâm lý của cô cũng ổn dần, đã thở được bình thường.
Đó là một hành trình khủng khiếp của mỗi bệnh nhân để giành lại hơi thở và sự sống, N. dặn mình lạc quan, luôn nghĩ mình sẽ khỏi bệnh, chiến thắng được căn bệnh này và cũng nhờ thích nghi rất tốt khi phải luyện tập các bài tập vận động, sinh hoạt tại bệnh viện.
Về nhà nhận tin vui
N. đã được về nhà mấy ngày trước. Từ bệnh viện về nhà, cô nhận được một email báo tin được nhận việc ở một ngân hàng khác gần nơi ở hơn. N. nhắn tin cho bạn bè, đồng nghiệp để thông báo hai niềm vui: xuất viện và có việc mới sau khi bình phục.
Khi tôi viết những dòng này, N. đang tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày với niềm tin mới về công việc khi thành phố trở lại bình thường mới.
Tự cổ động mình
N. đã nghĩ về những ngày tháng đã qua, về những áp lực trong công việc của một nhân viên ngân hàng, hàng chục email báo cáo, chạy đủ doanh số, phải gọi hàng trăm khách hàng, huy động tiền gửi, bán bảo hiểm... và cô đã vượt qua trong 5 năm làm việc như một cách cổ động mình.
"Trân trọng từng hơi thở trong cuộc sống nhé vì nó quý hơn tất cả, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh" - đó là lời nhắn của N., tôi nhớ kỹ như để nhắc mình lạc quan với đời, giữ sức khỏe và làm tốt công việc mình đang có.
Ngoài kia, bao người đang chờ ngày trở lại với công việc. Việc cũ hay việc mới cũng sẽ làm với quyết tâm mới sau những ngày khó khăn chật vật và chồng chất những lo âu.
TTO - Bệnh nhân cao tuổi nhất tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai vừa được cho xuất viện trong niềm vui của các thầy thuốc và gia đình.
Xem thêm: mth.18241249003901202-ut-auc-auq-id/nv.ertiout