“Có thể nói khả năng kiểm soát dịch của Phú Yên đã được nâng lên đáng kể. Hơn hết là nhận thức của người dân đã được nâng cao. Sự cộng tác giữa người dân với chính quyền, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan y tế đã làm công tác phòng chống dịch ở Phú Yên có những bước tiến rất đáng ghi nhận. Chúng tôi tin tưởng sẽ sớm kiểm soát được dịch một cách ổn thỏa và sẽ sớm mở lại các hoạt động thông thường”. Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với PLO.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bên trái) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một cơ sở sản xuất. Ảnh: MH
Mở cửa đến đâu kiểm soát đến đấy
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về khả năng mở cửa của Phú Yên khi dịch đã được kiểm soát?
+ Ông Trần Hữu Thế: Chúng tôi mở cửa theo phương thức mở dần, vừa mở vừa kiểm soát. Mở đến đâu kiểm soát đến đấy để đảm bảo bảo vệ được những thành quả trong chống dịch, tránh phát sinh những ổ dịch mới trong quá trình mở cửa.
.Thưa ông, tỉnh Phú Yên có những giải pháp gì để bảo vệ các vùng xanh được bền vững nhằm vừa đảm bảo an toàn vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh?
+ Khi mở cửa sẽ có giao thoa kinh tế với các tỉnh. Việc phát hiện, phát sinh mầm bệnh từ các tỉnh đến Phú Yên sẽ rất nhiều. Do đó, nguyên tắc là mở cửa đến đâu, kiểm soát đến đấy.
Trước hết, cố gắng tạo miễn dịch cộng đồng ở những khu vực mở cửa. Miễn dịch cộng đồng ở đây gồm hai phần. Phần thứ nhất là vùng xanh theo đúng nghĩa vùng xanh. Phần thứ hai là phủ vaccine ở những vùng nguy cơ cao, những vùng sẽ mở cửa.
Trong số lượng vaccine còn hạn chế, chỉ có thể ưu tiên tiêm những vùng nhằm tăng cường hoạt động sản xuất, bảo đảm các hoạt động diễn ra an toàn, nếu có ca dịch bệnh xảy ra.
Thứ hai là tăng cường trách nhiệm quản lý của địa phương. Mặt khác, mỗi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên đia bàn, khu vực được mở cửa đều phải có quy định về kiểm soát người ra vào.
Đối với những đơn vị có điều kiện, có khu cách ly riêng hay khu làm việc đảm bảo việc cách ly thì có thể đón các chuyên gia, người lao động ở nơi xa về tập trung tại doanh nghiệp đó để làm việc, cách ly với xung quanh.
Phú Yên đang đẩy mạnh tiêm phủ vaccine trong cộng đồng. Ảnh: TẤN LỘC
.Khi mở cửa, tỉnh xây dựng kịch bản ứng phó như thế nào với tình huống dịch trở lại ?
+ Chúng tôi chỉ có thể mở cửa với tâm thế là kiểm soát được, có an toàn thì mới mở cửa. Cho nên, khi mở cửa, mỗi cá nhân, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhà máy phải có kịch bản phòng chống dịch cho đơn vị mình. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy chế an toàn phòng dịch của từng đơn vị.
Tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý việc vào ra. Nếu dịch bệnh phát sinh trở lại, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng nắm được có bao nhiêu người liên quan.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (đứng), chủ trì hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp để khôi phục sản xuất kinh doanh. Ảnh: TẤN LỘC
Chỉ có như vậy, cơ quan chức năng mới có thể nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch một cách hẹp nhất, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các sinh hoạt bình thường khác của người dân ở xung quanh.
Lúc đầu, khi dịch mới xuất hiện, chúng tôi có lúng túng. Tuy nhiên, qua quá trình phòng chống dịch vừa qua, chúng tôi yêu cầu điều chỉnh, bổ sung kịch bản sát với tình hình thực tế và cập nhật sự chỉ đạo của Trung ương trong việc đánh giá tình hình dịch.
Làm tất cả có thể để khôi phục sản xuất, kinh doanh
.Mong mỏi lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là sớm phủ vaccine để khôi phục sản xuất kinh doanh. Tỉnh Phú Yên sẽ phủ vaccine như thế nào khi hiện nay nguồn vaccine còn khan hiếm?
+ Nguồn vaccine về Phú Yên không được nhiều. Trong quá trình phân phối vaccine, chúng tôi tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, đúng đối tượng, đúng địa bàn. Đến nay, nhóm tuyến đầu chống dịch, nhóm nguy cơ cao đã tiêm xong.
Tiếp đó là nhóm những người làm việc ở doanh nghiệp, tài xế, shiper, nhân viên bán hàng, công nhân, các ngành liên quan đến dịch vụ thương mại, chúng tôi có sự ưu tiên nhất định trong tiêm phủ vaccine. Đến nay, phần lớn các đơn vị sản xuất đã được tiêm vaccine 70-80%, một số đơn vị đã tiêm 100%.
Đối với các doanh nghiệp đông công nhân, nhiều chuyền, nhiều tổ sản xuất, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp phối hợp lập danh sách để tiêm trắng từng phân xưởng. Phân xưởng nào được tiêm phủ trắng thì cho hoạt động bình thường.
Phân xưởng nào chưa được tiêm phủ trắng thì thực hiện ba tại chỗ và các yếu tố an toàn khác. Cũng như các doanh nghiệp, khi tiêm chủng là tiêm phủ trắng cho từng đơn vị. Chúng tôi phấn đấu trước ngày 15-10 sẽ phủ 100% vaccine cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Phú Yên có nhiều chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: CTV
.Tỉnh Phú Yên có những chính sách gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, thưa ông?
+ Đến nay, tỉnh Phú Yên đã thực hiện hỗ trợ hơn 50.000 đối tượng. Trong đó, có nhiều trường hợp liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp như giảm giãn thời gian đóng BHXH, lao động mất việc.
Qua hội nghị doanh nghiệp đề xuất, đóng góp ý kiến để khôi phục sản xuất kinh doanh vừa qua, chúng tôi tập hợp được rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều kiến nghị về các chính sách khoanh nợ, giãn nợ; giảm, giãn thuế, BHXH để doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, những kiến nghị đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh nên chúng tôi đang đề xuất trung ương xem xét, điều chỉnh, bổ sung các chính sách để doanh nghiệp có khả năng vực dậy.
Các doanh nghiệp ở Phú Yên đang tìm giải pháp vượt khó, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: HỒNG HOA
Trên địa bàn Phú Yên có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều chi phí phụ mà các doanh nghiệp lại tốn rất nhiều chi phí. UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở Công Thương, Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp các hội doanh nghiệp của tỉnh đề xuất các giải pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ này khởi sự, hoạt động bình ổn để họ có điều kiện vươn lên, phát triển xa hơn.
Chúng tôi sẽ triển khai mạnh số hóa. Trước hết là số hóa chính quyền. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong xử lý các yêu cầu của doanh nghiệp. Việc số hóa chính quyền sẽ tạo ra những dữ liệu thông tin mà doanh nghiệp cần để họ tham chiếu.
Những dữ liệu chúng tôi có thể cung cấp được từ việc số hóa này như nguồn lao động, giới tính, trình độ chuyên môn, quy hoạch… Từ đó doanh nghiệp có thể đánh giá được chi phí, hiệu quả khi tiếp cận để làm việc
Trong khả năng của tỉnh, chúng tôi sẵn sàng làm tất cả có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
.Trân trọng cảm ơn ông!
Tối ưu hóa để phục vụ quản lý xã hội .Tỉnh có giải pháp gì để tối ưu hóa trong ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý xã hội, khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện của Phú Yên? Ông Trần Hữu Thế: Trên nền tảng các ứng dụng đã có của Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an, các cơ quan của Chính phủ… chúng tôi đang cố gắng ứng dụng một cách đầy đủ, bài bản. Ngoài ra, chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng và cố gắng hoàn thành sớm trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, của cơ quan hành chính. Vì muốn muốn số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin tốt thì phải có nguồn dữ liệu để chia sẻ. Mặt khác, chúng tôi hình thành trung tâm điều hành để quan sát, kiểm soát được hàng ngày có bao nhiêu tác vụ hành chính được gửi đến để yêu cầu giải quyết. Hàng ngày có bao nhiêu nghiệp vụ hành chính đã được giải quyết; có bao nhiêu học sinh đi học, bao nhiêu học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh; có bao nhiêu bệnh nhân nhập viện, xuất viện… Chúng tôi phải kiểm soát được những vấn đề như thế. Nó sẽ làm cho xã hội ổn định hơn, nó sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến việc tiếp công dân cũng sẽ được thay đổi. Để tránh tình trạng người dân phải thức khuya dậy sớm đi đăng ký hay nhận kết quả, chúng tôi chuyển sang trạng thái khác để người dân được trả kết quả, trả lời một cách công khai, minh bạch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phải có tính hệ thống, tính tích hợp, tính liên tục, tính kế thừa… Để từ đó, chúng tôi phân tích được những chỉ số phát triển trên địa bàn tỉnh như về vấn đề con người, chuyên môn, sức khỏe, tài nguyên… Trong đó, đánh giá được hiệu quả sử dụng con người, hiệu quả sử dụng tài nguyên để từ đó chúng tôi định hướng cho quá trình phát triển của tỉnh được tốt hơn. |