Rolex là biểu trưng của sự xa xỉ, của những người đã đạt đến thành công. Nhưng Rolex thông thường vẫn chưa là gì, mà đẳng cấp cao hơn còn được thể hiện ở những chiếc đồng hồ được đính kim cương, đá quý lấp lánh chẳng khác nào tác phẩm nghệ thuật.
Nói về kỹ thuật đính kim cương của Rolex thì có lẽ không cần phải bàn quá nhiều, từng hàng đá xếp đều tăm tắp với ánh hào quang phát lên rạng rỡ. Trong đoạn mở đầu giới thiệu về những chiếc đồng hồ đính kim của mình, Rolex đã khiến người đọc ngỡ ngàng: “Với những động tác nhanh chóng và linh hoạt, người thợ đá quý nhặt một viên kim cương hình thang có kích thước bằng đầu đinh ghim. Họ đặt nó một cách tinh tế vào đường rãnh ở bên gờ của một chiếc Oyster Perpetual Cosmograph Daytona bằng bạch kim. Đá nằm hơi cao. Người thợ phải cẩn thận dùng dao nạo để lấy một mảnh kim loại nhỏ ra khỏi khoang, khoảng cách được thu hẹp lại dần nhưng không hoàn toàn biến mất. Quy trình này được lặp đi lặp lại 3 lần cho đến khi mặt trên cùng của viên đá hoàn toàn bằng phẳng với viên nằm kế bên”.
Kích thước của các viên đá quý thay đổi theo tỷ lệ rất nhỏ, Rolex chỉ chấp nhận các sai lệch không quá 2% của 1mm, tức là bằng ¼ đường kính của sợi tóc con người. Do đó, những người chế tác đá quý phải dùng đến tất cả kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Sau khi hoàn thành, 36 viên kim cương sẽ tạo thành vòng tròn đồng nhất, rạng rỡ hoàn hảo trên vành đồng hồ. Chỉ riêng chiếc vành này thôi đã thể hiện hàng loạt kỹ năng và bí quyết chế tác của Rolex.
Những viên kim cương được đính lấp lánh trên đồng hồ Rolex. Ảnh: Rolex
Sự lựa chọn của người dẫn đầu
Tất cả những quy trình nói trên sẽ được bắt đầu sau khi khâu tuyển chọn đá quý hoàn thành. Đá được chọn sẽ là những viên nổi bật nhất để xếp vào những vị trí phù hợp nhất.
Rolex chỉ sử dụng những loại đá quý chất lượng cao như kim cương, hồng ngọc, ngọc bích hay ngọc lục bảo. Tiêu chí chọn đá là dựa vào đường cắt, kích thước và độ trong, màu sắc cũng như số carat. Cùng với đó, sẽ có những thiết bị hiện đại đi kèm để kiểm tra và lọc ra đá có chất lượng tốt nhất. Vết cắt ảnh hưởng trực tiếp đến độ sáng của đá. Một viên đá quý được cắt gọt tốt sẽ phản xạ ánh sáng trong, thậm chí có thể tạo ra màu cầu vồng.
Kim cương được chọn là viên không có tạp chất khi quan sát ở độ phóng đại x10. Tiêu chí cuối cùng là màu sắc luôn được đánh giá bằng mắt thường nên rất đòi hỏi mắt thẩm mỹ của người chọn. Để hoàn thành quá trình chọn đá, những viên đá đó sẽ được so sánh với viên đá mẫu đã được chứng nhận. Trong số các viên đá của Rolex, chúng đều nằm trong bảng màu cao nhất của Viện Đá quý Mỹ - trong các dải màu từ D đến G.
Kim cương và đá quý được tuyển chọn cẩn thận bởi những chuyên gia có kỹ thuật và óc thẩm mỹ cao. Ảnh: Rolex |
Cách đính đá của thợ lành nghề
Việc này bắt đầu bằng quyết định kết hợp màu sắc của đá với bố cục trên đồng hồ. Những kỹ sư phụ trách phần bên ngoài (không liên quan đến bộ máy đồng hồ) sẽ cùng nghiên cứu vị trí sắp đặt của đá để chuẩn bị khoảng trống chính xác đến từng micromet. Nhiệm vụ của họ là xác định đối với mỗi viên đá thì cần lượng kim loại là bao nhiêu để có thử giữ được đá chắc chắn.
Sau đó, người thợ đính đá sẽ kiên nhẫn đặt viên đá vào vị trí rồi nhẹ nhàng đẩy kim loại xung quanh để cố định. Kỹ năng của người đặt đá quý thể hiện ở việc chọn công cụ thích hợp, tìm góc thích hợp và sử dụng lực vừa phải. Bước đánh bóng cuối cùng sẽ giúp cho kim loại sáng bóng và nổi bật vẻ đẹp của đá. Đặc biệt, thao tác này được lặp lại đến 3.000 lần trên mỗi mặt đồng hồ Rolex đính kim cương.
Kỹ thuật đính đá thượng thừa mà chỉ những nhân viên của Rolex mới làm được. Ảnh: Rolex |
Những chiếc đồng hồ siêu sáng
Rolex Oyster Perpetual Pearlmaster 39 bằng vàng Everose 18 ct với mặt số được khảm 713 viên kim cương, có gờ, vỏ cũng được đính kim. Vỏ của chiếc đồng hồ này được đảm bảo chống thấm nước ở độ sâu 100 m, là biểu tượng của sự mạnh mẽ và sang trọng. Vỏ giữa của đồng hồ được chế tác từ vàng nguyên khối. Mặt sau được viền bằng các rãnh nhỏ và vặn chặt bằng một công cụ đặc biệt mà chỉ những thợ đồng hồ có chứng nhận của Rolex mới tiếp cận được.
Ảnh: Rolex |
Rolex Oyster Perpetual Day-Date ra mắt vào năm 1956 và là chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên có hiển thị các thứ trong tuần ngoài phần ngày trên mặt số. Đây là một kỳ công kỹ thuật ở thời điểm đó và vẫn giữ uy tín cho đến ngày nay. Day-Date được làm bằng kim loại quý – vàng 18 ct, vàng Everose hoặc bạch kim 950. Nếu thích cái gì chói chang như ánh đèn sân khấu thì Day-Date là một lựa chọn phù hợp. Nhận định đó được chứng minh thông qua sự lựa chọn Day-Date của nhiều Tổng thống và nhân vật lỗi lạc của Mỹ. Sự hấp dẫn của bộ sưu tập đầu tiên mạnh mẽ đến nỗi Tổng thống Lyndon B. Johnson cũng phải say mê. Vì điều đó, Day-Date được mệnh danh là “đồng hồ của Tổng thống" và dòng đồng hồ này cũng được trang bị vòng đeo tay President.
Ảnh: Rolex |
Oyster Perpetual Lady-Datejust thuộc dòng Datejust, mẫu đồng hồ mang tính biểu tượng đã trở thành tiêu ngữ cho phong cách. Đây là chiếc đồng hồ nữ cổ điển xuất sắc của Rolex và là một trong những dòng đa dạng nhất trong bộ sưu tập Oyster Perpetual.
Chiếc đồng hồ xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1957 với kích thước 28 mm hoàn toàn phù hợp với những chiếc cổ tay mảnh mai mà vẫn giữ được tinh thần của Rolex. Ngoài dùng kim loại quý, Oyster Perpetual Lady-Datejust còn có mặt số độc quyền khảm kim cương. Các mốc giờ được đặt bằng số La Mã khiến chiếc đồng hồ trở thành một trong những mẫu đa dạng nhất trong bộ sưu tập Oyster Perpetual.
Ảnh: Rolex |
Phương Kim
NDH